Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên là Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.
“Tôi dạy ngành Kinh doanh quốc tế nên tôi tin vào khái niệm lợi thế cạnh tranh. Không ai có thể hoàn hảo và các quốc gia cũng vậy. Không quốc gia nào có thể giỏi nhất ở mọi thứ. Chúng ta cần biết mình giỏi ở lĩnh vực nào và cố gắng phát huy tối đa thế mạnh đó”, Tiến sĩ Quyên nói.
Lao động giá rẻ từng là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong một thời gian dài, song giờ đây Tiến sĩ Quyên kêu gọi hãy chuyển trọng tâm vào lao động chất lượng cao, năng suất cao để bắt kịp hoặc thậm chí đón đầu các xu hướng Công nghiệp 4.0 và 5.0.
Khi được hỏi lợi thế cạnh tranh của bản thân mình là gì, Tiến sĩ Quyên cho biết đó là niềm đam mê kết nối và phát triển con người, những điều đã được nhen nhóm khi cô theo học thạc sĩ và tiến sĩ tại Australia về quản trị nguồn nhân lực và quản trị nguồn nhân lực quốc tế.
“Trong công việc hiện tại, tôi thích mời chuyên gia từ các doanh nghiệp đến giao lưu với sinh viên và thực hiện các dự án tư vấn cho doanh nghiệp về mở rộng quốc tế và quản trị nguồn nhân lực”, cô chia sẻ.
Tìm hiểu thêm về Tiến sĩ Quyên qua video:
Là chuyên gia về kinh doanh quốc tế và quản trị nguồn nhân lực, Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên tin vào khái niệm lợi thế cạnh tranh cho các nền kinh tế, tổ chức và cá nhân đang tìm kiếm thành công trong một thế giới luôn đổi thay.
Tôi dạy ngành Kinh doanh quốc tế nên tôi tin vào khái niệm lợi thế cạnh tranh. Không ai có thể hoàn hảo và các quốc gia cũng vậy. Không quốc gia nào có thể giỏi nhất ở mọi thứ. Chúng ta cần biết mình giỏi ở lĩnh vực nào và cố gắng phát huy tối đa thế mạnh đó.
Gặp gỡ chuyên gia
Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên
Phát huy lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh quốc tế
Tôi tên là Đặng Thảo Quyên. Tôi là giảng viên ngành Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT Việt Nam. Tôi cũng là chủ nhiệm cấp cao của bộ môn này.
Theo tôi, kinh doanh quốc tế là bất kỳ hoạt động kinh doanh nào có khía cạnh quốc tế. Đây là một lĩnh vực mà Việt Nam đang phát triển mạnh.
Việt Nam là điểm đến hàng đầu của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Khu vực FDI đóng góp khoảng 73% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 20% GDP của Việt Nam. Điều đó rất đáng chú ý.
Trong một thời gian dài, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là lao động giá rẻ. Nhưng bây giờ chúng ta phải tập trung vào lao động chất lượng cao, năng suất cao.
Chúng ta phải suy nghĩ về Công nghiệp 4.0 và 5.0, và làm thế nào các kỹ năng trong lực lượng lao động của chúng ta có thể bắt kịp hoặc thậm chí đón đầu các xu hướng đó.
Một cách khác để đạt được lợi thế cạnh tranh là xây dựng thương hiệu quốc gia xanh, hay còn được biết đến như một quốc gia chú trọng và vượt trội về phát triển bền vững song song với bảo vệ môi trường.
Nếu bạn hỏi tôi lợi thế cạnh tranh của cá nhân tôi là gì, tôi sẽ nói đó là niềm đam mê kết nối và phát triển con người.
Tôi từng học thạc sĩ và tiến sĩ tại Australia về ngành quản trị nguồn nhân lực và quản trị nguồn nhân lực quốc tế.
Trong công việc hiện tại của mình, tôi thích mời chuyên gia từ các doanh nghiệp đến giao lưu với sinh viên và thực hiện các dự án tư vấn cho doanh nghiệp về mở rộng quốc tế và quản trị nguồn nhân lực.
Thực ra, tôi là một người hướng nội. Do vậy, tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để phát triển bản thân và bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình để có thể kết nối với mọi người một cách dễ dàng như hiện nay. Điều giúp tôi làm được chính là nghĩ về những giá trị tiềm năng cho tất cả các bên.
Bất cứ khi nào tiếp cận với một đối tác doanh nghiệp, tôi đều nghĩ về những lợi ích tiềm năng cho họ và cho sinh viên của tôi. Nếu mọi người đến với nhau và chia sẻ những mục tiêu và giá trị chung thì đó đã là cơ sở rất tốt để nói chuyện với nhau rồi.
Nguyên tắc này cũng áp dụng cho kinh doanh quốc tế. Nên hướng tới tình huống đôi bên cùng có lợi, nơi mọi người có thể đóng góp những điều tốt nhất, tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của mình và cùng nhau tạo nên sự thịnh vượng.