Chương trình tập huấn AI tiếp cận 250.000 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Chương trình tập huấn AI tiếp cận 250.000 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Đại học RMIT Việt Nam chính thức triển khai chương trình tập huấn về AI cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 5/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Đại học RMIT Việt Nam đã chính thức khởi động chương trình đào tạo trực tuyến về trí tuệ nhân tạo (AI) cho các nhà giáo Việt Nam. Đây là chương trình tập huấn đào tạo về AI chính thức đầu tiên của ngành giáo dục được tổ chức trên phạm vi toàn quốc cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Chương trình này là một hoạt động quan trọng trong năm 2025 của sáng kiến "Diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam với trí tuệ nhân tạo", do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức.

Buổi tập huấn đầu tiên trong chương trình được truyền trực tiếp qua YouTube (trong hình), Facebook and Microsoft Teams. Buổi tập huấn đầu tiên trong chương trình được truyền trực tiếp qua YouTube (trong hình), Facebook and Microsoft Teams.

Quá trình chuẩn bị và phê duyệt kỹ lưỡng

Sau lễ phát động Diễn đàn vào tháng 4 tại Hà Nội, đội ngũ chuyên gia từ dự án “EEAI: Đổi mới sáng tạo trong giáo dục với Trí tuệ nhân tạo” và phòng Quan hệ Chính phủ của Đại học RMIT Việt Nam đã làm việc chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn bị cho chương trình tập huấn. Sau quá trình xem xét và đánh giá cẩn thận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức phê duyệt chương trình tập huấn đào tạo vào cuối tháng 6.

Chương trình gồm năm chủ đề chuyên sâu, từ kiến thức nền tảng về AI và khung năng lực AI của UNESCO đến các ứng dụng thực tiễn như tích hợp AI trong giảng dạy theo mô hình TPACK, thiết kế bài kiểm tra, tạo sản phẩm học tập sáng tạo và xây dựng chatbot giáo dục. Chương trình đào tạo đã cung cấp các video được ghi hình trước trên hệ thống đào tạo TEMIS cho hơn một triệu nhà giáo tại Việt Nam, đồng thời tổ chức năm buổi tập huấn trực tuyến để trao đổi, giải đáp và hướng dẫn thực hành tương ứng.

Kết quả ấn tượng của buổi tập huấn đầu tiên

Chương trình đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng giáo dục. Trước buổi tập huấn trực tuyến đầu tiên, chương trình đã nhận được 250.000 đăng ký tham gia. Sự kiện được phát trực tiếp qua nhiều nền tảng bao gồm Microsoft Teams, YouTube và Facebook dành cho người đăng ký.

Buổi tập huấn đầu tiên do Tiến sĩ Trần Đức Linh (Trưởng ban dự án) và Tiến sĩ Phạm Chí Thanh (Phó trưởng ban dự án) của Đại học RMIT Việt Nam thực hiện đã diễn ra thành công vượt mong đợi:

  • Hơn 150.000 người tham gia trực tuyến cùng một lúc trên YouTube và Facebook.
  • Các thầy cô không thể tham gia trực tuyến đã xem video ghi lại của buổi học, hiện đã đạt hơn 635.000 lượt xem.
  • Các giáo viên đã chia sẻ bình luận, đánh giá tích cực về nội dung và gửi hàng chục nghìn sản phẩm thực hành cho đội ngũ dự án chỉ trong hai ngày sau buổi tập huấn.
Những con số ấn tượng sau buổi đầu tiên của chương trình tập huấn trực tuyến Những con số ấn tượng sau buổi đầu tiên của chương trình tập huấn trực tuyến

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Hồng Đào, Trưởng phòng Phát triển, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Chương trình tập huấn này không chỉ nhằm cung cấp kiến thức nền tảng về AI, mà còn cả công cụ để hỗ trợ các thầy cô triển khai hiệu quả trong giảng dạy và đổi mới sáng tạo. Quan trọng hơn cả, đây là một diễn đàn mở để các thầy cô không chỉ học hỏi, mà còn chia sẻ, lan tỏa các sáng kiến giáo dục ứng dụng AI trong cộng đồng nhà giáo trên toàn quốc”.

Tiến sĩ Trần Đức Linh vui mừng trước sự tham gia đông đảo, tinh thần chủ động thực hành và thảo luận sôi nổi từ phía các thầy cô. Ông cho biết thêm, bên cạnh việc giới thiệu các công cụ AI, đội ngũ thiết kế dự án còn tích hợp yếu tố sư phạm và khuyến khích sự sáng tạo, nhằm hỗ trợ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ứng dụng AI một cách thiết thực trong hoạt động giáo dục.

Bài thực hành sau buổi học đầu tiên do một số giáo viên chia sẻ Bài thực hành sau buổi học đầu tiên do một số giáo viên chia sẻ

Kế hoạch triển khai tiếp theo

Chương trình sẽ tiếp tục với bốn buổi tập huấn trực tuyến tiếp theo vào mỗi thứ Bảy hằng tuần cho đến hết ngày 2/8/2025. Sau khi hoàn thành chương trình tập huấn, giáo viên được khuyến khích ứng dụng AI trong hoạt động giảng dạy và tiếp tục phát triển sản phẩm sáng tạo gửi về ban tổ chức Diễn đàn.

Dự kiến vào tháng 12/2025, “Ngày hội Giáo dục Việt Nam với trí tuệ nhân tạo” sẽ được tổ chức tại Đại học RMIT Việt Nam, bao gồm:

  • Vòng chung kết cuộc thi về ứng dụng AI trong giáo dục và lễ tôn vinh các nhà giáo có sản phẩm ứng dụng xuất sắc
  • Triển lãm và trưng bày các sáng kiến ứng dụng AI và công nghệ số trong giáo dục
  • Tổng kết và bế mạc Diễn đàn 2025

Với sự tham gia đông đảo của đội ngũ nhà giáo trên toàn quốc, chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ của đội ngũ giáo dục và góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

----

Hình đầu trang: Montri – stock.adobe.com | Hình đại diện: JR-50 – stock.adobe.com

Tin tức liên quan