Tiên phong hướng tới kinh doanh tái tạo

Tiên phong hướng tới kinh doanh tái tạo

Tọa đàm về chủ đề “Hướng tới kinh doanh tái tạo” đã diễn ra thành công tại Đại học RMIT, cơ sở Nam Sài Gòn, với hơn 100 người tham gia.

Nhiều diễn giả và tham luận viên đã tham gia sự kiện để trình bày về các hoạt động bền vững trong những ngành công nghiệp khác nhau.

Diễn đàn Kinh tế thế giới định nghĩa kinh doanh tái tạo là tư duy hệ thống để bảo vệ, khôi phục và bổ sung cả nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên. Các mô hình kinh doanh tái tạo có thể kể đến như kinh doanh tuần hoàn nhằm giảm thiểu và tái sử dụng chất thải, sử dụng nguyên liệu thô có thể tái tạo, khôi phục hệ sinh thái, giảm lượng carbon, giảm bất bình đẳng và đảm bảo phúc lợi.

Theo Tiến sĩ Seng Kiong Kok, quyền Chủ nhiệm chương trình Cử nhân Kinh doanh tại Đại học RMIT Việt Nam: “Tính bền vững là sự hài hòa đạt được bằng cách cùng tồn tại với hệ sinh thái của chúng ta trong khi vẫn duy trì tiêu chuẩn sống và các giá trị xã hội”.

Tiến sĩ Seng Kiong Kok, quyền Chủ nhiệm chương trình Cử nhân Kinh doanh tại Đại học RMIT Việt Nam. Tiến sĩ Seng Kiong Kok, quyền Chủ nhiệm chương trình Cử nhân Kinh doanh tại Đại học RMIT Việt Nam.

Tập trung vào tính bền vững trong kinh doanh, bà Võ Lương Bình Nguyên, Phó phòng phát triển bền vững tại Unilever Việt Nam, chia sẻ: “Tính bền vững trong kinh doanh vượt khỏi ranh giới môi trường, bao hàm cả khía cạnh xã hội như con người và cơ quan quản lý, nhằm thúc đẩy tính toàn diện và đa dạng”.

Bà Lê Vân Anh, Trường phòng pháp lý và tuân thủ của La Vie, cũng đồng tình với quan điểm nêu trên: “Khi người tiêu dùng mua một sản phẩm, thay vì chỉ đầu tư vào chính món hàng đó, họ đề cao giá trị gia tăng mà công ty có thể mang lại cho cộng đồng”.

Bà đưa ra ví dụ: “La Vie tiên phong trong ngành nước uống đóng chai tại Việt Nam bằng việc loại bỏ màng co nắp chai – một bước đơn giản nhưng có tác động đáng kể, giúp giảm 40 tấn nhựa mỗi năm”.

Theo Tiến sĩ Seng, tính bền vững thực sự là một khái niệm phức tạp. “ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) cho thấy nỗ lực mới nhằm định lượng sự bền vững, cung cấp cho các công ty một thước đo được số hóa, tính đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị”.

Ông chỉ ra rằng: “Tuy nhiên, thách thức nằm ở vô số cơ quan xếp hạng, dẫn đến mâu thuẫn tiềm ẩn trong các đánh giá cho cùng một tổ chức. Một thách thức đáng kể khác là lượng thông tin khổng lồ cần thiết để chắt lọc khái niệm phức tạp này thành một con số duy nhất”.

(Trái-phải): Chuyên viên tư vấn doanh nghiệp RMIT bà Lý Vân Thy, bà Võ Lương Bình Nguyên, bà Lê Vân Anh, Tiến sĩ Seng Kiong Kok. (Trái-phải): Chuyên viên tư vấn doanh nghiệp RMIT bà Lý Vân Thy, bà Võ Lương Bình Nguyên, bà Lê Vân Anh, Tiến sĩ Seng Kiong Kok.

Tiếp nối chia sẻ sâu sắc của Tiến sĩ Seng về sự phức tạp của tính bền vững, bà Nguyên lấy dẫn chứng cách Unilever Việt Nam giải quyết các vấn đề phát triển bền vững: “Chúng tôi phải đối mặt với những thách thức đặc biệt đến từ nguồn nhân sự rất lớn của mình. Tuy nhiên, chúng tôi đã áp dụng cách tiếp cận sáng tạo qua việc thành lập các nhóm chuyên biệt và đa dạng cho những mục tiêu bền vững cụ thể như giảm thiểu nhựa”.

“Các nhóm này gồm thành viên từ nhiều phòng ban khác nhau, truyền tải những quan điểm đầy tươi mới và tinh thần làm chủ trong các dự án. Đây không chỉ là về kết quả, mà còn là tầm ảnh hưởng của mỗi thành viên trong việc thúc đẩy sự thay đổi và đạt được KPI chung”.

Bà Vân Anh cũng nêu bật quá trình xây dựng văn hóa công ty tại La Vie, nhấn mạnh rằng mọi thứ bắt đầu từ những hành động nhỏ, mang tính thói quen. “Cho dù đó là bảo tồn năng lượng hay giảm sử dụng nhựa, hành vi của mỗi người sẽ phát triển thành thói quen hình thành nên văn hóa của chúng ta. Khi những thói quen này hình thành, chúng ta sẽ nhận ra rằng việc bảo vệ môi trường không phải là điều vặt vãnh mà là một phần không thể thiếu của cuộc sống”.

Trong lĩnh vực bền vững, mối quan tâm không chỉ nằm ở tối đa hóa tài chính mà còn là tối ưu hóa lợi nhuận. Tiến sĩ Seng cho biết: “Đầu tư ngắn hạn thực sự có thể đặt ra những thách thức. Tuy nhiên, hy vọng rằng về lâu dài, những khoản đầu tư này sẽ dẫn đến tăng lợi nhuận nhờ mức tiêu thụ cao hơn, nhu cầu ngày càng tăng và nâng cao nhận thức về thương hiệu”.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, “tài chính có thể không phải là mục tiêu duy nhất của sự bền vững. Một số công ty sẵn sàng chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn để theo đuổi các mục tiêu bền vững rộng lớn hơn, mặc dù đây vẫn là một chủ đề gây tranh luận”, Tiến sĩ Seng cho biết.

Hội thảo “Hướng tới kinh doanh tái tạo” là một trong những sự kiện quan trọng của Ngày hội việc làm RMIT 2023. Hội thảo “Hướng tới kinh doanh tái tạo” là một trong những sự kiện quan trọng của Ngày hội việc làm RMIT 2023.

Tọa đàm là một phần của Ngày hội việc làm RMIT năm nay, do đó, bà Nguyên cũng gợi ý những sinh viên RMIT quan tâm đến kinh doanh bền vững hãy “luôn cập nhật thông tin và theo kịp các xu hướng, chính sách và sự kiện về phát triển bền vững”.

Bà Vân Anh nói thêm: “Trong khi các cuộc thảo luận xung quanh tiêu chuẩn nền kinh tế tuần hoàn và tái chế đang diễn ra, cần nhận ra rằng các khái niệm này không phải là những lý tưởng xa vời mà đang sớm trở nên quen thuộc. Và có nhiều cơ hội rộng mở cho những người ‘đi tắt đón đầu’”.

“Thị trường vốn sẽ ngày càng chú trọng vào tính bền vững, chính phủ và doanh nghiệp sẽ mang đến nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Sinh viên sau tốt nghiệp cần hiểu rõ những thách thức và cơ hội, thích ứng với yêu cầu mới và cam kết phát triển bền vững lâu dài trong kinh doanh”, bà Vân Anh cho biết.

Tiến sĩ Seng chia sẻ: “Trong quá trình phát triển cá nhân và nâng cao sức thu hút của các em trên thị trường việc làm, giữ vững tư duy cởi mở là điều cần thiết. Chấp nhận những quan điểm đa dạng là con đường hướng tới việc đạt được những kỹ năng có giá trị và phát triển bản thân”.

Các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn đầu trong việc đổi mới, phục hồi và tái thiết cần có để tránh sụp đổ môi trường. Tính bền vững không phải là xu hướng mà là mục tiêu mà các bên liên quan nên hướng tới và cần có những nỗ lực, hợp tác tập thể giữa các cộng đồng để đạt được những thay đổi lâu dài.

Hội thảo “Hướng tới kinh doanh tái tạo” là một trong những sự kiện quan trọng của Ngày hội việc làm RMIT 2023 do phòng Hướng nghiệp, Cựu sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Đại học RMIT, tổ chức.

Bài: Thùy Dung

  • Quan hệ doanh nghiệp
  • Phát triển nghề nghiệp

Tin tức liên quan