RMIT cam kết thúc đẩy quan hệ giáo dục Việt Nam - Australia

RMIT cam kết thúc đẩy quan hệ giáo dục Việt Nam - Australia

Hướng về tương lai sau dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương Việt Nam - Australia, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hai nước.

Tổng giám đốc Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Claire Macken nhận định về động lực đằng sau sự phát triển này.

Năm 2023 đánh dấu tròn năm thập kỷ từ khi Australia và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Suốt gần một nửa hành trình 50 năm hợp tác đó, Đại học RMIT tự hào là nhà đầu tư tiêu biểu của Australia tại Việt Nam, góp phần phát triển nền kinh tế tri thức và làm cầu nối cho các mối liên kết ngoại giao nhân dân.

RMIT được Chính phủ Việt Nam mời thành lập đại học có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại  vào năm 1998 – thời điểm giáo dục đang dần trở thành ưu tiên hàng đầu của đất nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế toàn cầu.

RMIT Việt Nam chính thức mở cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2000 và khai giảng lớp học đầu tiên ở Hà Nội vào năm 2004, tiếp đến là mở trung tâm đào tạo ngoại ngữ tại Đà Nẵng vào năm 2018. Quy mô hoạt động của nhà trường hiện đã mở rộng lên bốn khoa với các chương trình giảng dạy từ bậc dự bị đại học đến cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Ngay từ ngày đầu thành lập, RMIT đã mong muốn đem đến đóng góp ý nghĩa cho Việt Nam, đặc biệt thông qua giáo dục để định hình con đường phát triển cho những người trẻ tuổi nơi đây. Với hơn 12.000 sinh viên đang theo học tại trường và 17.000 cựu sinh viên đã tốt nghiệp trong hơn 20 năm qua, tôi tin rằng tác động của RMIT tại Việt Nam có ý nghĩa dài lâu.

Cựu sinh viên tái ngộ tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 20 năm Cộng đồng cựu sinh viên RMIT Việt Nam. Cựu sinh viên tái ngộ tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 20 năm Cộng đồng cựu sinh viên RMIT Việt Nam.

Mỗi sinh viên tốt nghiệp từ RMIT Việt Nam với tấm bằng được Australia công nhận đều đang góp phần gắn kết hai đất nước chúng ta với nhau. Nhìn lại những mối quan hệ và tình bằng hữu bền chặt mà chúng tôi đã và đang xây dựng được qua nhiều năm giảng dạy sinh viên Việt ở Australia và ngay tại đất nước xinh đẹp của các bạn, RMIT tự hào là một phần của nền giáo dục, hệ sinh thái các doanh nghiệp và cộng đồng rộng lớn hơn nơi đây.

Trong bài phát biểu tại sự kiện do Viện Chính sách Australia - Việt Nam tổ chức ở Đại học RMIT Melbourne vào tháng 12/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: “Với hơn 30.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia, hợp tác giáo dục đã trở thành sợi dây văn hóa, nhịp cầu hữu nghị kết nối bền chặt giữa hai dân tộc”.

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên. Theo tôi, RMIT có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam. Là một tổ chức giáo dục đại học, nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ cộng đồng nơi nhà trường đang hoạt động. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn RMIT tiếp tục là một thành tố tích cực và uy tín trong sự phát triển của Việt Nam, thể hiện qua chất lượng giáo dục mà chúng tôi cung cấp cũng như những mối quan hệ mà chúng tôi góp phần xây dựng.

Chúng tôi tự hào rằng RMIT đang giữ vững vị thế là nhà đầu tư dịch vụ Australia lớn nhất ở Việt Nam, đồng thời là nhà đầu tư giáo dục nước ngoài lớn nhất tại đây. Trong số tất cả các đại học Australia, RMIT cũng là trường có cơ sở hoạt động đặt ở nước ngoài lớn nhất.

Tác động của Đại học RMIT Việt Nam

Việt Nam và Australia đều đã trải qua nhiều thay đổi trong những thập kỷ qua, và RMIT chúng tôi cũng vậy. Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào việc định hình quy mô hoạt động của nhà trường tại Việt Nam trong tương lai, bao gồm xem xét những khoản đầu tư mới vào các địa điểm hoạt động để tiếp tục đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam.

Nhìn vào tương lai sắp tới, chúng tôi cam kết định hướng để RMIT tại Việt Nam mở rộng tầm nhìn ra khu vực, đẩy mạnh vai trò lãnh đạo bằng tư duy, phát triển các chương trình giáo dục và quan hệ đối tác với Đông Nam Á nhằm thúc đẩy tác động trong khu vực, trong đó lấy các thách thức và chủ đề quan tâm chung làm trọng tâm.

Ưu tiên của RMIT với tư cách là một trường đại học là đóng vai trò “cửa ngõ” để tìm hiểu và gắn kết với Đông Nam Á. Cách tiếp cận này dựa vào lịch sử và vị thế của RMIT tại Việt Nam để hỗ trợ Australia tăng cường hiểu biết và thắt chặt quan hệ với Việt Nam và khu vực.

Lãnh đạo Đại học RMIT gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm chính thức Australia của ông vào năm 2022. Lãnh đạo Đại học RMIT gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm chính thức Australia của ông vào năm 2022.

Bên cạnh các hoạt động giáo dục, chúng tôi còn đưa ra những sáng kiến như Trung tâm Thương mại và Đổi mới sáng tạo châu Á – nền tảng hợp tác với Hiệp hội châu Á tại Australia nhằm thúc đẩy trao đổi kiến thức và kết nối trong khu vực.

RMIT cũng là thành viên sáng lập của Viện Chính sách Australia-Việt Nam (AVPI), viện chính sách đầu tiên của Australia tập trung vào mối quan hệ với Việt Nam. AVPI đang xây dựng một cộng đồng gồm các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu và tổ chức phi lợi nhuận của Australia nhằm thúc đẩy các mối liên kết với Việt Nam.

Nỗ lực này bao gồm việc tận dụng hiểu biết chuyên môn về Việt Nam của RMIT cả ở trong và ngoài nước để góp phần thu thập kiến thức và phát triển tư duy mới nhằm thúc đẩy mối quan hệ của Việt Nam với Australia và khu vực.

Các nhà lãnh đạo Australia và Việt Nam cho biết đang xem xét nâng tầm quan hệ song phương lên cấp độ Đối tác chiến lược toàn diện. Với triển vọng như vậy, tôi kỳ vọng rằng Đại học RMIT sẽ đóng góp theo nhiều cách khác nhau để tạo ra tác động tích cực cũng như giải quyết những thách thức và cơ hội chung – không chỉ ở hai đất nước chúng ta mà còn cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bài: Giáo sư Claire Macken, Tổng giám đốc Đại học RMIT Việt Nam

Hình đầu trang: Flag Store - stock.adobe.com | Hình thumbnail: luzitanija - stock.adobe.com

Tin tức liên quan