Đánh giá xác thực theo phương pháp giàn giáo với sinh viên ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics

Đánh giá xác thực theo phương pháp giàn giáo với sinh viên ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics

Đánh giá xác thực giúp các kiểu người học khác nhau có thêm lựa chọn và tạo cơ hội ứng dụng kỹ năng thực hành và tư duy bậc cao vào hệ thống giáo dục bậc cao ở các nước đang phát triển. Đây là nhận định của các nghiên cứu viên đến từ Đại học RMIT Việt Nam.

Giáo sư Robert McClelland, Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT Việt Nam, cho biết một trong những thuộc tính quan trọng của việc đánh giá người học là sự phát triển các năng lực phù hợp nhằm mô phỏng hoặc tái lập trải nghiệm làm việc thực tế. Loại hình này có tên gọi “đánh giá xác thực” và phù hợp với các hoạt động giúp sinh viên chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống và công việc.

“Bên cạnh đó, môi trường học tập thực tế được xem là tấm gương phản chiếu thế giới thật, đáp ứng nhu cầu tăng cao trên toàn cầu trong việc cải thiện năng lực làm việc cho sinh viên mới ra trường”, Giáo sư nói.

“Mặt bằng công nghệ thay đổi không ngừng đã và đang tái thiết mô hình giáo dục truyền thống đến tận gốc rễ. Học tập trực tuyến, từ xa và tích hợp được xem là những bước chuyển mình tất yếu trong hệ thống quản trị học tập cấp tiến nhằm hỗ trợ trải nghiệm học của sinh viên cũng như tăng sự tham gia của các em. Phương thức đánh giá hợp lý có thể tác động tích cực lên chất lượng học của sinh viên và khuyến khích học tập chuyên sâu hơn trong giáo dục bậc cao”.

Việt Nam xếp hạng thứ 48 trong Chỉ số đo lường thứ hạng nguồn vốn con người (HCI) với tư cách là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai khu vực ASEAN sau Singapore, với mức tăng trưởng GDP tăng 7% trong năm 2019, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2020. Ngành sản xuất phát triển ấn tượng, và Việt Nam là nước sản xuất gạo và cà phê lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam còn lọt vào nhóm mười nước xuất khẩu may mặc hàng đầu và là một trong những nước sản xuất đồ nội thất và sản phẩm công nghệ cao hàng đầu thế giới.

Từ mức tăng trưởng ấn tượng này, lĩnh vực giáo dục bậc cao cũng tăng gần gấp đôi từ năm 1999. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017, cả nước có 446 trường đại học và cao đẳng với số sinh viên lên tới 2,24 triệu.

Cân nhắc tới nhu cầu của doanh nghiệp cũng như xem xét xem đánh giá xác thực có thể tích hợp kiến thức học thuật với kinh nghiệm thực tế vào lớp học như thế nào, đội ngũ giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam đã rà soát thiết kế phương thức đánh giá và phát triển một loạt phương thức đánh giá giàn giáo nhằm giúp việc đánh giá rõ ràng hơn với sinh viên, giúp các em kết nối, học hỏi và tiến bộ mỗi khi nhận các nhiệm vụ được giao kế tiếp.

Tiến sĩ Reza Akbari, chủ nghiệm nghiên cứu và là một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng và logistics, chia sẻ rằng “qua chín học kỳ, nhóm chúng tôi tập trung vào thiết kế giáo án dựa vào kết quả nghiên cứu hợp thực tế cho môn học thuộc ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics bằng cách tích hợp thông tin hiện có từ các bài báo học thuật cũng như đóng góp trực tiếp của các nghiên cứu viên đồng thời là giảng viên ngành này”.

vn-news-1-scaffolded-authetic-assessment-for-students-in-logistics-and-supply-chain-management Cách thức đánh giá môn học ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam

Nhóm đã dùng Khung đánh giá xác thực (Authentic Assessment Framework – AAF) hiệu chỉnh để minh hoạ cách đánh giá xác thực có thể áp dụng vào trường đại học và triển khai hiệu quả rộng khắp cho sinh viên đại học như thế nào.

Tiến sĩ Akbari chia sẻ rằng phương pháp đánh giá giàn giáo được tích hợp nhằm hỗ trợ việc học của sinh viên. Các đánh giá này sẽ kết nối với nhau và người học sẽ nhận phản hồi để cải thiện bài làm tiếp theo.

“Phương pháp quy trình học tập này được hiệu chỉnh theo nhu cầu của sinh viên với sự hỗ trợ thích hợp nhằm đảm bảo đạt mục tiêu học tập”, ông cho biết.

“Toàn bộ đánh giá phải phản ánh được ba kết quả học tập chung gồm (1) ứng dụng lý thuyết và nội dung chính trong ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics, (2) kỹ năng lãnh đạo và vận hành nhằm đề xuất giải pháp cho vấn đề về vận hành, và (3) truyền thông hiệu quả trong phạm vi đội nhóm”.

Tất cả đánh giá này được giới thiệu xuyên suốt học kỳ và liên kết với một công ty. Suốt mỗi học kỳ, nhóm nghiên cứu thương thảo với một công ty logistics để mời họ về làm diễn giả khách mời trực tuyến hoặc trực tiếp, tiếp theo là buổi viếng thăm công ty (nếu có thể).

Tiến sĩ Akbari chia sẻ rằng, “tương tác với đối tác trong ngành được thiết kế nhằm truyền tải môi trường thực tế để đạt được mục tiêu kết quả học tập. Toàn bộ các bài đánh giá đều liên hệ đến một công ty, giúp sinh viên học về phương thức quản lý chuỗi cung ứng và logistics của công ty này, chỉ ra bất kỳ vấn đề tiềm tàng nào và đưa ra giải pháp khả thi”.

Nhóm giảng dạy đã dùng bốn trong năm bước của mô hình chu kỳ nhằm tiếp cận một cách có hệ thống và khớp nối với mục tiêu học tập. Các bước này gồm:

  • thiết kế hoạt động học tập và đánh giá gồm: tác phẩm sáng tạo cá nhân (áp phích), học tập sáng tạo hợp tác (thuyết trình bằng video) và đánh giá tổng kết (nghiên cứu trường hợp điển hình trực tuyến và tự ngẫm cá nhân);
  • thiết lập các tiêu chí đánh giá: nhóm đã phát triển công cụ đánh giá phân tích với nhiều mức độ xếp hạng khác nhau đối với các tiêu chí như nội dung, cách truyền tải, nghiên cứu và tổng hợp phân tích.
  • triển khai hoạt động và thực hiện đánh giá; và
  • suy ngẫm và cải thiện.

“Dẫu việc thiết kế đánh giá xác thực và giảm bỏ thi cử vẫn còn nhiều thách thức, đánh giá xác thực cho phép sinh viên không cần phải ghi nhớ các mẩu bằng chứng rời rạc và tiến tới nắm bắt, hiểu, phân tích và tích hợp ý tưởng mới với sự hỗ trợ của lý thuyết học thuật. Các nội dung lý thuyết được liên kết với thực hành thực tế, phân tích phản biện và ra quyết định dựa trên bằng chứng”, Tiến sĩ Akbari kết lời.

Nghiên cứu “Thiết kế, thực thi và quan điểm học thuật về đánh giá xác thực trong ngành kinh doanh ứng dụng hệ giáo dục bậc cao ở một nền kinh tế hàng đầu châu Á” được công bố trên Emerald Insight, do Tiến sĩ Akbari làm trưởng nhóm, kết hợp với đội ngũ nghiên cứu viên gồm các giảng viên khác từ Khoa Quản trị và Kinh doanh Đại học RMIT là thầy Nguyễn Mạnh Hùng và thầy Kristof Van Houdt.

Bài: Hoàng Hà

  • Nghiên cứu
  • Logistics

Tin tức liên quan