COVID-19 không ngăn được việc học lập trình robot và viết code cùng RMIT

COVID-19 không ngăn được việc học lập trình robot và viết code cùng RMIT

Học viên trên khắp Việt Nam cùng học lập trình robot và viết code theo hình thức trực tuyến trong một chương trình kéo dài chín ngày được thực hiện bởi Trung tâm Xuất sắc kỹ thuật số (CODE), Đại học RMIT.

Chương trình trực tuyến hoàn toàn với tên gọi “Chế tạo robot = Viết code + Sáng tạo” được xây dựng trên nền tảng của Phòng thực nghiệm dạy và học từ xa CODE – sáng kiến mới cho phép học viên lập trình và điều khiển robot giáo dục của CODE trực tuyến mà không cần phải ra khỏi nhà. Chương trình được sự tài trợ của Trung tâm Hoa Kỳ thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh. 

news-1-covid-19-is-no-barrier-to-innovative-robotics-and-coding-education-at-rmit Students use online remote control to complete a task using a mBot robot.

Một thử thách lớn đối với những người làm công tác giáo dục trên toàn thế giới là được tiếp cận các công cụ như robot giáo dục – những loại công cụ có thể khá tốn kém khi mua và đòi hỏi phải có kiến thức giảng dạy chuyên môn. Phòng thực nghiệm dạy học từ xa giúp giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép bất kỳ học viên học trực tuyến nào đều có thể học cách sử dụng robot giáo dục của CODE để thực hiện một loạt những thử thách sáng tạo với kết quả học tập rõ ràng.

Phó giáo sư Jerry Watkins, Quản lý Trung tâm xuất sắc kỹ thuật số, chia sẻ: “Sử dụng Phòng thực nghiệm dạy học từ xa, người học có thể làm việc nhóm theo hình thức trực tuyến với học viên khác trên khắp Việt Nam. Cách học theo hình thức hợp tác trực tuyến và giải quyết vấn đề này chuẩn bị cho sinh viên một tương lai của robot và tự động hóa. Và hình thức này rất khó để tái lập trong một lớp học truyền thống”.

Sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Ân cho biết điều giúp chương trình này nổi bật là mức độ tương tác.

“Thật khó có thể hình dung làm thế nào một lớp học robot có thể truyền tải trực tuyến và mang đến trải nghiệm thực tế bất chấp đại dịch COVID-19”, Ân chia sẻ. “Bằng cách sử dụng tính năng điều khiển từ xa, chúng tôi dễ dàng lập trình cho robot và viết code hơn. Các điều phối viên của CODE hỗ trợ người học cực kỳ nhiệt tình và điều này góp phần tạo nên thành công của chương trình này”.

Trong khuôn khổ chương trình “Viết code + Sáng tạo”, 27 học viên và các bạn trẻ đam mê công nghệ tuổi từ 15 đến 21 đã có thể kiểm chứng khả năng tư duy sáng tạo trong một dự án nhóm cuối khóa. Dự án yêu cầu các bạn thiết kế và tạo ra “sứ mệnh” sáng tạo của riêng nhóm dành cho robot.

news-2-covid-19-is-no-barrier-to-innovative-robotics-and-coding-education-at-rmit Online student team presents its final project using the Sphero® robot as an airport guide.

Sinh viên Đại học Đồng Tháp Tiêu Ngọc Thúy cho biết đây là một trải nghiệm tuyệt vời với cô và tất cả bạn học vì có thể dùng robot để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực.

“Bằng cách tận dụng Phòng thực nghiệm dạy học từ xa của CODE, nhóm chúng tôi đã thiết kế các robot hỗ trợ di động và tương tác bằng giọng nói để hướng dẫn hành khách đến cổng khởi hành của một sân bay”, Thúy chia sẻ.

“Tại các sân bay trong tương lai, công nghệ tiên tiến có thể giúp toàn bộ quá trình di chuyển bằng đường không trơn tru hơn nhiều, đặc biệt đối với hành khách khiếm thị”.

news-3-covid-19-is-no-barrier-to-innovative-robotics-and-coding-education-at-rmit Students program a tour guide robot.

Theo Bà Huỳnh Thục Yến, điều phối viên cấp cao của CODE, “một trong những mục tiêu của CODE là nâng cao hiểu biết khoa học và tạo điều kiện cho thế hệ đổi mới sáng tạo tương lai của Việt Nam bằng cách tạo điều kiện cho họ tham gia vào các hoạt động giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học)”.

“Chúng tôi rất vui khi thấy chương trình thành công như thế nào trong việc tạo điều kiện cho học viên học không chỉ về chế tạo robot và kỹ năng viết code, mà còn cả tư duy sáng tạo và phản biện”, bà nói.

Được thành lập tại Đại học RMIT vào năm 2016, CODE hỗ trợ giáo dục kỹ thuật số trên khắp Việt Nam. Sáng kiến Phòng thực nghiệm dạy học từ xa của CODE dành cho giáo viên trung học Việt Nam, những người muốn hợp tác phát triển các hoạt động giảng dạy STEM sáng tạo cho học viên của họ.

Bài: Lê Mộng Thuý

  • CODE
  • Kỹ thuật số

Tin tức liên quan