Cử nhân thời trang RMIT hướng đến tái chế hàng dệt may

Cử nhân thời trang RMIT hướng đến tái chế hàng dệt may

Nhờ nhận ra tầm quan trọng của đóng góp cho cộng đồng và giá trị của việc có kinh nghiệm thực tiễn sớm khi còn đi học, sinh viên tốt nghiệp ngành thời trang RMIT đã có được thời sinh viên thú vị và vẹn toàn.

Trước khi nhận tấm bằng Cử nhân Thời trang (Quản lý và Kinh doanh thời trang) loại Giỏi tại Lễ tốt nghiệp gần đây, Nguyễn Hữu Thọ đã là chuyên viên marketing cho một xưởng may lớn xuất hàng trăm nghìn sản phẩm mỗi tháng sang các nước trên thế giới.

news-1-rmit-fashion-graduate-looking-to-recycle-textiles Cử nhân thời trang Nguyễn Hữu Thọ nhận bằng tốt nghiệp Cử nhân Thời trang (Quản lý và Kinh doanh thời trang) loại Giỏi tại Lễ tốt nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh.

Chàng tân khoa cho biết bạn cảm thấy vô cùng may mắn khi được làm việc trong lĩnh vực mình yêu thích và tạo ra ảnh hưởng.

“Trách nhiệm của tôi là phát triển chiến lược tái xây dựng thương hiệu phù hợp với công ty, và qua đó cố gắng tạo ảnh hưởng đến mọi người, cộng đồng xung quanh và thế giới”, Thọ cho biết.

“Giảm ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững là những yếu tố chính trong hoạt động kinh doanh của công ty. Tôi tự hào hỗ trợ công ty trở nên bền vững hơn bằng cách giảm ô nhiễm không khí, nước và nhựa, cũng như mức độ tiêu thụ năng lượng. Mỗi ngày đều có nhiều thử thách, nhưng chính điều này đã dạy tôi trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn”.

news-2-rmit-fashion-graduate-looking-to-recycle-textiles Thọ (chính giữa trong hình) nhận Kỷ niệm chương ngành Thời trang vì thành tích học tập xuất sắc và đóng góp cho cộng đồng.

Thọ nhấn mạnh rằng bốn năm học tập tại RMIT, bao gồm cả quãng thời gian học tiếng Anh, đã thay đổi cuộc sống của cậu bạn theo những cách đáng kinh ngạc.

“Bắt đầu hành trình tại RMIT với chương trình tiếng Anh, tôi không chỉ học được các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết mà biết cách học sao cho tốt trong môi trường đại học, bao gồm cách viết báo cáo, phát triển kỹ năng tư duy phản biện, trau dồi kỹ năng thuyết trình và nhiều kỹ năng khác nữa”, Thọ cho biết.

“Tôi học hỏi được nhiều thứ khi tham gia các sự kiện giao lưu kết nối, triển lãm thời trang và trò chuyện của khách mời doanh nghiệp, nhờ đó học hỏi được về ứng xử của mọi người và kỹ năng thuyết phục”.

news-3-rmit-fashion-graduate-looking-to-recycle-textiles Thọ tham gia Triển lãm Thời trang quy mô nhỏ tại trường vào năm 2018.

Khi còn là sinh viên năm hai, Thọ đã nhận Kỷ niệm chương của ngành Thời trang nhờ thành tích học tập xuất sắc và đóng góp cho cộng đồng.

“Tôi rất lấy làm vinh dự được nhận Kỷ niệm chương ngành Thời trang năm 2017”, Thọ cho biết.

“Để giảm thiểu tình trạng xả rác tại Việt Nam, tôi đã tình nguyện tham gia các hoạt động dọn rác trong cộng đồng. Tôi còn hỗ trợ các hoạt động từ thiện khác như đi phát thức ăn và thăm người già vô gia cư”.

Cậu bạn cho biết cuộc sống sinh viên đã trở nên ý nghĩa hơn khi có thể chia sẻ những điều mình biết với các bạn cùng trang lứa.

“Tôi thích chia sẻ những gì tôi biết với những người quanh tôi. Trong gần hai năm, tôi đã dùng kiến thức để hỗ trợ nhiều bạn trong lớp đạt kết quả học tập tốt hơn”, Thọ chia sẻ thêm. “Tôi cũng giúp các bạn khác cải thiện hồ sơ xin việc, kỹ năng phỏng vấn và kết nối các bạn với bộ phận hướng nghiệp của trường”.

Thọ nhớ lại quyết tâm theo học ngành thời trang của bản thân mình và vô cùng phấn khích trước con đường sự nghiệp đang rộng mở phía trước.

“Tôi vẫn nhớ cảm hứng có được từ một giảng viên ngành thời trang tại RMIT và những kiến thức được truyền đạt qua chương trình chẳng hạn như việc tạo ra các bộ sưu tập thời trang, chiến lược bán hàng, marketing, quản lý sản phẩm và ứng dụng các công cụ kỹ thuật số vào thời trang”, Thọ nhớ lại.

“Hướng đến tương lai, tôi hy vọng sẽ nâng cao hơn nữa nhận thức về tái chế hàng dệt may, vì đây được coi là thách thức lớn cần giải quyết khi thế giới đang nỗ lực tiến gần hơn đến một xã hội không rác thải”.

Bài: Lê Mộng Thúy

  • Tốt nghiệp
  • Thời trang
  • Phát triển nghề nghiệp

Tin tức liên quan