Gạc bằng lụa khảm kim cương phát hiện nhiễm trùng và cải thiện phục hồi vết thương

Gạc bằng lụa khảm kim cương phát hiện nhiễm trùng và cải thiện phục hồi vết thương

Các nhà khoa học đã phát triển thế hệ băng gạc mới có thể phát hiện nhiễm trùng và cải thiện phục hồi vết bỏng, ghép da và các vết thương mạn tính.

Trong nghiên cứu do Tiến sĩ Asma Khalid thuộc Đại học RMIT làm chủ nhiệm, gạc thông minh làm từ lụa và kim cương nano cảm nhận hiệu quả nhiệt độ vết thương – dấu hiệu ban đầu của nhiễm trùng, đẩy mạnh phục hồi và giảm nhiễm trùng từ một số loại vi khuẩn nhất định.

Nghiên cứu viên cấp cao Giáo sư Brant Gibson cho biết nghiên cứu trên đem đến giải pháp cho chăm sóc và phục hồi vết thương – một thách thức mang tính toàn cầu.

“Cách xử lý vết thương thông thường cho thấy đầy thách thức với nhân viên y tế, những người phải thường xuyên kiểm tra xem có nhiễm trùng không bằng cách xem xét các dấu hiệu như đỏ tấy, nóng và sưng phồng”, ông nói. “Tuy nhiên, một khi xuất hiện các dấu hiệu có thể nhìn thấy bằng mắt thường thì chỗ viêm và nhiễm trùng đã lan mạnh, khiến việc chữa trị hay can thiệp khó khăn hơn gấp bội.

“Công nghệ mới sẽ hỗ trợ nhân viên y tế phát hiện nhiễm trùng sớm hơn và không xâm lấn, không gây đau khi gỡ miếng gạc”.

news-1-diamond-studded-silk-wound-dressing-detects-infection-and-improves-healing Các sợi tơ kim cương đang hình thành màng tổ ong (màu xanh lá), với màu nâu vàng đồng thể hiện sự phát triển tế bào da trên lớp màng.

Kháng khuẩn

Nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học ACS Applied Materials & Interfaces còn thử nghiệm công nghệ hybrid để kháng vi khuẩn gram âm và vi khuẩn gram dương – thành phần chính gây nhiễm trùng vết thương trên da.

“Các nguyên nhân hàng đầu khiến nhiễm trùng vết thương hay phẫu thuật trong môi trường y tế này đang ngày càng kháng lại hầu hết các loại kháng sinh hiện có”, Tiến sĩ Khalid cho biết. “Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi phát hiện ra rằng màng làm từ lụa kim cương nano cho thấy kháng khuẩn cực cao với vi khuẩn gram âm”.

Nghiên cứu chỉ ra rằng màng thông minh này có thể phát hiện dấu hiệu sơ khởi của nhiễm trùng và bảo vệ vết thương khỏi một số vi khuẩn và nhiễm trùng nhất định, đồng thời cũng duy trì lưu thông oxy và dinh dưỡng đến vùng bị thương.

“Việc biến công nghệ mới vô cùng lý thú này thành hiện thực sẽ đem đến một giải pháp có ích và hiệu quả về mặt chi phí cho những thách thức ngày càng gia tăng trong điều trị vết thương và hồi phục”, Tiến sĩ Khalid nói.

Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học từ Đại học RMIT, Đại học Adelaide và Đại học Melbourne, Đại học Flinders, Viện nghiên cứu Y khoa và Sức khoẻ Nam Úc (SAHMRI) và Trung tâm Xuất sắc về Sinh học Quang tử Nano (CNBP) thuộc Hội đồng nghiên cứu Úc (ARC).

Nghiên cứu được sự hỗ trợ của Học bổng nghiên cứu của Phó chủ tịch Hội đồng Đại học RMIT, và Hội đồng nghiên cứu Úc thông qua CNPB và khoản tài trợ nghiên cứu LIEF - Liên kết hạ tầng, thiết bị và cơ sở vật chất.

Nghiên cứu “Màng fibroin lụa kim cương nano phương pháp quy điện hoá: kênh đa chức năng cho cảm biến sinh học và ứng dụng hồi phục vết thương” với Tiến sĩ Asma Khalid làm chủ nhiệm được công bố trên tạp chí khoa học ACS Applied Materials & Interfaces (DOI: 10.1021/acsami.0c15612).

news-2-diamond-studded-silk-wound-dressing-detects-infection-and-improves-healing Các sợi tơ kim cương đang hình thành màng tổ ong (màu xanh lá ), với màu nâu vàng đồng thể hiện sự phát triển tế bào da trên lớp màng (hình cận cảnh).
  • Du học Melbourne
  • Nghiên cứu
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan