Niềm tin của công chúng là chìa khóa hồi phục kinh tế từ dịch Covid-19

Niềm tin của công chúng là chìa khóa hồi phục kinh tế từ dịch Covid-19

Chủng vi rút mới hiện tại với tên gọi chính thức Covid-19 được ghi nhận tại hơn 80 quốc gia (cập nhật ngày 6/3/2020). Từ đợt bùng phát ban đầu vào tháng 12/2019, Covid-19 đang tạo ra nhiều thách thức cho toàn thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Trà, Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế và giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị tại Đại học RMIT Việt Nam, đã chỉ ra một số điểm mà Chính phủ và doanh nghiệp nên quan tâm nhiều hơn để có thể hồi phục nhanh chóng từ dịch bệnh.

Giảng viên cấp cao và Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế tại Đại học RMIT, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Trà cho biết niềm tin của công chúng với Chính phủ là chìa khóa để đối phó và giảm thiểu bất kỳ nguy cơ nào đối với quốc gia. Giảng viên cấp cao và Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế tại Đại học RMIT, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Trà cho biết niềm tin của công chúng với Chính phủ là chìa khóa để đối phó và giảm thiểu bất kỳ nguy cơ nào đối với quốc gia.

Chính phủ nên làm gì khi đối mặt với nguy cơ toàn cầu - như đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay -nhằm giới hạn thiệt hại tiềm tàng với quốc gia?

Như Franklin Roosevelt từng nói, “điều duy nhất đáng sợ chính là nỗi sợ hãi”. Giảm thiểu bất an xã hội và củng cố niềm tin của công chúng với chính phủ là chìa khóa để đối phó và giảm thiểu bất kỳ nguy cơ nào đối với quốc gia.

Trong những giai đoạn nguy cơ lan tỏa trên toàn cầu như hiện nay, niềm tin của công chúng được xây dựng dựa trên vai trò mạnh mẽ của chính phủ trong việc hoạch định và thực thi chính sách, và cần được chia sẻ trong các nhóm kinh tế khác nhau gồm doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng. Điều này chỉ có được khi chính sách công được thiết lập tốt, có mục tiêu rõ ràng và thậm chí là táo bạo.

Các dịch bệnh còn đặt ra thách thức lớn với các nhà đầu tư tài chính, những người hành động dựa trên niềm tin vào thị trường, dù trong ngắn hay dài hạn. Dịch Covid-19 có thể mở đường cho cơ chế tự lựa chọn, đào thải bớt những nhà đầu tư chỉ “lướt sóng” ngắn hạn và khích lệ việc tạo ra giá trị dài lâu. Các nhà đầu tư dài hạn quyết giữ vững nguyên tắc hoạt động cơ bản và tập trung vào lợi nhuận trong tương lai sẽ tồn tại. Niềm tin của công chúng mạnh mẽ sẽ giúp nhóm các nhà đầu tư dài hạn này vượt qua nỗi lo dịch bệnh và kiên định đầu tư chiến lược hơn.

Niềm tin của người tiêu dùng cũng là yếu tố hết sức quan trọng để các nền kinh tế đối đầu và vượt qua những thách thức từ dịch bệnh hay thảm họa. Niềm tin vững chắc vào chính quyền sẽ giúp kiềm chế lo lắng và hình thành các hành vi tiêu dùng tốt hơn.

Niềm tin của công chúng đòi hỏi nhiều công sức và thời gian để vun đắp, nhưng điều này quả thật sẽ phát huy tác dụng nhất trong những giai đoạn khủng hoảng, và đây là một trong những nhân tố quan trọng nhất để phục hồi kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng với nhiều diễn biến khó lường.

Khi nền kinh tế toàn cầu và các chuỗi giá trị toàn cầu kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, sự lan truyền của dịch bệnh và các tác động tiêu cực lên nền kinh tế trên quy mô toàn thế giới là khó tránh khỏi, đặc biệt với những quốc gia có liên kết gần gũi với Trung Quốc cả về mặt địa lý và thương mại. Chính phủ và doanh nghiệp nên làm gì để hạn chế thiệt hại kinh tế?

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong kim ngạch nhập khẩu (29,8% năm 2019) và tỉ trọng lớn thứ hai trong kim ngạch xuất khẩu (15,7% năm 2019), nên nhiều lĩnh vực từ dịch vụ, thương mại, sản xuất công nghiệp và xây dựng, đã và đang chịu tác động rõ ràng của Covid-19.

Trong ngắn hạn, các ngành nội địa như nông nghiệp, dịch vụ, du lịch và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của dịch bệnh (lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được dự báo sẽ giảm 60% trong quý I năm 2020). Cần lưu ý rằng thách thức hiện tại trong các lĩnh vực này do cú sốc tiêu cực về cầu có thể đối phó bằng những chính sách kịp thời và duy trì niềm tin của người tiêu dùng.

Thực vậy, các chính sách được áp dụng gần đây như gia hạn cho vay, cắt giảm lãi suất và cứu trợ bảo hiểm xã hội nhắm vào các lĩnh vực này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng tài chính, tuy nhiên cũng cần cân nhắc triển khai các biện pháp kích thích tiếp theo để giúp các ngành này phục hồi hoạt động. Nỗ lực của Chính phủ để khởi động các dự án quốc gia như đường cao tốc Bắc - Nam, Sân bay quốc tế Long Thành, cũng như các dự án giao thông và thủy lợi khác là một động thái quan trọng để thúc đẩy quá trình phục hồi.

Dịch bệnh cũng đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho phía cung của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều lĩnh vực sản xuất trong nước bao gồm giày dép, dệt may, điện tử, sản xuất xe cơ giới, phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Những lĩnh vực này chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh trong ngắn hạn và các tác động có thể kéo dài ngay cả sau khi dịch bệnh được kiềm chế trong khu vực. Thách thức tương tự cũng đang lan tỏa tới nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI - những đơn vị đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự và chuyên gia đến từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan, bên cạnh tình trạng thiếu nguyên liệu. Các doanh nghiệp như tập đoàn LG, tập đoàn Samsung và tập đoàn Nike cho biết doanh thu của họ sẽ giảm đáng kể trong năm nay do việc dừng cung nguyên liệu đột ngột. Các doanh nghiệp nhỏ hơn lo ngại rằng họ có thể phải hủy đơn hàng xuất khẩu và tạm dừng hoạt động nếu dịch bệnh không sớm được ngăn chặn.

Để hạn chế tổn thất tiềm tàng, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này cần tích cực tìm kiếm một giải pháp nội bộ trước khi nhờ đến sự hỗ trợ của Chính phủ. Thay vì mở rộng kinh doanh, đã đến lúc tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi thông qua chuyển đổi hoạt động, nâng cấp hệ thống quản lý tài chính và tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng mới. Cần chú ý rằng việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới cũng sẽ khá khó khăn do những xáo trộn trong chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn hiện nay và có thể trong những năm tới nữa.

Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ để thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ đột phá hiện có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, fintech, blockchain và các công nghệ đột phá khác sẽ thúc đẩy năng lực cạnh tranh và năng suất quốc gia, giúp nền kinh tế hồi phục trong trung và dài hạn.

Trong tình hình hiện nay, độ tin cậy của các chính sách công sẽ là chìa khóa để đảm bảo hiệu quả của chính sách, cả trong quá trình chống lại COVID-19 và hành trình giúp đất nước vượt qua thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra. Độ tin cậy sẽ có được khi chính sách được thiết kế tốt, có mục tiêu rõ ràng, minh bạch, và được triển khai kịp thời ở tất cả các cấp trung ương và địa phương. Một khi niềm tin vào chính sách công là vững chắc, sự lo lắng về dịch bệnh trong xã hội sẽ được kiểm soát, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ được khôi phục, nền kinh tế sẽ hồi sinh và lấy lại đà phát triển.

04/03/2020

Chia sẻ

  • Nghiên cứu
  • Phát triển bền vững
  • Quốc tế
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan