Giảng viên RMIT nghiên cứu tác phẩm nữ quyền của nghệ sĩ Việt

Giảng viên RMIT nghiên cứu tác phẩm nữ quyền của nghệ sĩ Việt

Một nhóm các nhà nghiên cứu RMIT Việt Nam đang tìm hiểu về mối quan tâm của những nữ nghệ sĩ người Việt liên quan đến vấn đề giới. Đây là nỗ lực đưa tiếng nói từ Việt Nam vào những thảo luận về nữ quyền trên thế giới.

Dự án Making art, making life quy tụ nhóm các nhà nghiên cứu (từ trái qua phải) gồm Tiến sĩ Shweta Kishore và Tiến sĩ Bryan Urbsaitis, hai giảng viên Khoa Truyền thông & Thiết kế RMIT Việt Nam, và quản lý nghệ thuật người Việt Nguyễn Phước Bảo Châu. Ảnh (từ trái qua phải): Desiree Gruenwald, Chris Nostrand, Mỹ Tuyết Dự án Making art, making life quy tụ nhóm các nhà nghiên cứu (từ trái qua phải) gồm Tiến sĩ Shweta Kishore và Tiến sĩ Bryan Urbsaitis, hai giảng viên Khoa Truyền thông & Thiết kế RMIT Việt Nam, và quản lý nghệ thuật người Việt Nguyễn Phước Bảo Châu. Ảnh (từ trái qua phải): Desiree Gruenwald, Chris Nostrand, Mỹ Tuyết

Với nguồn tài trợ từ quỹ nghiên cứu khoa học của RMIT Việt Nam, dự án Making art, making life (tạm dịch: Sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo cuộc sống) tìm hiểu cách các nữ nghệ sĩ đương đại Việt Nam truyền tải thông điệp nữ quyền qua tác phẩm của họ. Dự án quy tụ nhóm các nhà nghiên cứu gồm Tiến sĩ Shweta Kishore và Tiến sĩ Bryan Urbsaitis, hai giảng viên Khoa Truyền thông & Thiết kế RMIT Việt Nam, và quản lý nghệ thuật người Việt Nguyễn Phước Bảo Châu.

Theo Tiến sĩ Shweta, khảo sát viên chính của dự án, mục tiêu của nhóm là tạo nên dữ liệu học thuật về những hoạt động nghệ thuật liên quan đến nữ quyền ở Việt Nam.

Cô chia sẻ: “Nhiều lý thuyết và thảo luận về nữ quyền hiện đang chịu ảnh hưởng lớn từ phương Tây. Với dự án này, chúng tôi mong muốn tìm hiểu thảo luận này diễn ra như thế nào ở Việt Nam, đồng thời đem tiếng nói từ Việt Nam vào cuộc thảo luận toàn cầu này”.

Áp dụng phương pháp nghiên cứu định tính, nhóm nghiên cứu tác phẩm nghệ thuật của các nữ nghệ sĩ đương đại Việt Nam để xác định cách những nghệ sĩ này dùng phương tiện nghệ thuật để bày tỏ mối quan tâm về vấn đề giới, cũng như cách nữ quyền được hiểu trong bối cảnh văn hoá, lịch sử và chính trị Việt Nam.

Sau khi xem xét nhiều tác phẩm của những nghệ sĩ Việt Nam khác nhau, họ đã chọn ra bốn nghệ sĩ đương đại có những tác phẩm phản ánh sâu sắc vấn đề giới.

“Mỗi nghệ sĩ đa lĩnh vực này đều thử nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó có nghệ thuật biểu diễn, điêu khắc, thơ ca và mỹ thuật đa phương tiện, để thể hiện những góc nhìn rất riêng về giới tính,” Tiến sĩ Shweta giải thích.

“Vì họ là những nghệ sĩ độc lập, từ ý tưởng đến thực hiện tác phẩm đều phản ánh trải nghiệm cá nhân của họ”.

Dữ liệu từ những tác phẩm sẽ được thu thập qua nhiều vòng phỏng vấn, sau đó sẽ được phân tích để tìm ra chủ đề chung.

Tiến sĩ Shweta giải thích: “Thay vì có sẵn giả thuyết để kiểm định, chúng tôi muốn đưa ra dữ liệu thực tế mới và độc đáo bật ra từ những chủ đề này, như nhận thức về ngoại hình, hay lo ngại về quyền lựa chọn của phụ nữ”.

Sáu tháng qua, nhóm đã bước đầu tạo được nền tảng cho dự án qua việc gặp gỡ nghệ sĩ, khảo sát tác phẩm của họ và chọn người để thảo luận việc hợp tác. Dự án từ nay sẽ chính thức bước vào giai đoạn nghiên cứu và kết quả nghiên cứu sẽ được thể hiện bằng hình ảnh.

“Chúng tôi sẽ sản xuất một bộ phim tài liệu để làm báo cáo kết quả của nghiên cứu này. Bên cạnh đó, sẽ có một đoạn phim ngắn được trình chiếu tại các phòng trưng bày nghệ thuật để cỗ vũ nghệ sĩ tham gia đối thoại về nữ quyền với nhau”, Tiến sĩ Shweta kết lời.

Bài: Lê Thanh Phương

  • Nghiên cứu
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan