Một phó giáo sư tại RMIT Việt Nam mô tả thành phố như những phòng chat

Một phó giáo sư tại RMIT Việt Nam mô tả thành phố như những phòng chat

Với ông Graham Crist, Phó giáo sư tại Khoa Truyền thông và Thiết kế, ở thành phố, thế giới thực và ảo quan trọng ngang nhau.

Đây là chủ đề buổi nói chuyện gần đây của Phó giáo sư Graham với tiêu đề “Thành phố là một phòng chat” được tổ chức tại cơ sở Phạm Ngọc Thạch của trường. Buổi nói chuyện là sự kiện đầu tiên nằm trong chuỗi hoạt động do các ngành học thiết kế của trường tổ chức.

Như ông giải thích: “Thách thức quanh ý tưởng này là ngày càng nhiều môi trường thực trên thực tế đang mô phỏng lại môi trường ảo”.

Ý tưởng của ông, cũng là chủ đề chính của buổi nói chuyện, thể hiện ở chính những toà nhà thuộc khuôn viên Đại học RMIT Melbourne vừa được cải tiến trong dự án Con đường học thuật mới (New Academic Street) của trường. Những thiết kế này hầu hết loại bỏ các giảng đường cũng như phòng diễn thuyết truyền thống, thay vào đó bằng các không gian công cộng thuận tiện cho đối thoại.

Điểm khác biệt, theo ông, chính là giữa truyền đạt và giao lưu kết nối. Trong khi các giảng đường được thiết kế để giáo sư truyền đạt ý tưởng đến từng người dự khán, với rất ít tương tác hai chiều, không gian mới trong khuôn viên RMIT Melbourne cho phép giáo sư và sinh viên thảo luận qua lại, gần giống những cuộc hội thoại diễn ra trên mạng xã hội.

“Gần như tất cả không gian đang được xây dựng đều cực kỳ linh hoạt, giống như quán cà phê là nơi để tạt qua. Đây là phiên bản thực của cách chúng ta tương tác hàng ngày, dù là trên Instagram hay nhắn tin cho bạn bè”, Phó giáo sư chia sẻ.

Việc bùng nổ không gian làm việc chung ở Việt Nam cho thấy không gian giao lưu kết nối thực tế giống môi trường học và làm việc ảo. Việc bùng nổ không gian làm việc chung ở Việt Nam cho thấy không gian giao lưu kết nối thực tế giống môi trường học và làm việc ảo.

Cô Gretchen Wilkins, Trưởng nhóm bộ môn Thiết kế thuộc Khoa Truyền thông và Thiết kế, hy vọng có thể đưa những lý thuyết này vào xây dựng thực tế ở Việt Nam.

Cô nói: “Buổi nói chuyện nhìn chung xem xét vấn đề tương tác xã hội cũng như chất lượng của không gian đô thị hỗ trợ tương tác xã hội trong thành phố, đồng thời giữ cho thành phố gần gũi, hoạt bát và sống động. Chúng tôi quan sát thấy quá nhiều thay đổi ở TP. Hồ Chí Minh… và sợ rằng chúng ta đang thay thế sự sôi động đó bắng những không gian khép kín và riêng tư”.

Trong khi đó, Phó giáo sư Graham hy vọng các kiến trúc trong khuôn viên trường đại học sẽ được dùng làm hình mẫu để nâng cấp khu vực đô thị. Ông chia sẻ: “Các kiến trúc trong khuôn viên trường đại học là hình mẫu lý tưởng của thành phố, nên câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta làm cho thành phố giống như khuôn viên một trường đại học hơn? Khuôn viên đại học là một nơi xinh đẹp mà ai cũng muốn đến chơi”.

Bài: Michael Tatarski

  • Cộng đồng

Tin tức liên quan