Sinh viên RMIT góp sức giúp thanh niên nông thôn dùng mạng xã hội hiệu quả

Sinh viên RMIT góp sức giúp thanh niên nông thôn dùng mạng xã hội hiệu quả

Một nhóm sinh viên ngành Truyền thông (Truyền thông Chuyên nghiệp), Đại học RMIT Việt Nam, đã cùng Tổ chức phi chính phủ ChildFund Úc giúp thanh thiếu niên tại một số khu vực nông thôn ở tỉnh Hoà Bình nâng cao hiểu biết về mạng xã hội.

Trong khuôn khổ môn học Thực hành Truyền thông Chuyên nghiệp, sinh viên hợp tác với một tổ chức để đưa ra các giải pháp truyền thông cho những vấn đề liên quan đến xã hội, môi trường hay doanh nghiệp mới tại Việt Nam, nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng tại khu vực đó.

Học kỳ này, sinh viên có cơ hội làm việc với Tổ chức ChildFund Úc tại Việt Nam để xây dựng kế hoạch chiến lược và thực hiện, nhắm đến các bạn trẻ tuổi từ 11 đến 24, để nâng cao nhận thức về những cạm bẫy tiềm ẩn cũng như lợi ích khi dùng mạng xã hội.

Giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp cô Nguyễn Thị Hồng Phượng chia sẻ mục đích của môn học là cho sinh viên cơ hội xây dựng chiến dịch truyền thông thuộc một dự án lớn hơn .

Cô nói: “Các bạn sinh viên cần hiểu giá trị và cách khách hàng làm việc, cũng như cần có kiến thức thực tế liên quan đến vấn đề các bạn đang thực hiện. Điều này đòi hỏi các bạn phải vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học trong các môn khác nhau như Quan hệ công chúng, Quảng cáo, và các môn học khác về truyền thông và văn hoá”.

Bắt tay vào thực hiện dự án, các bạn sinh viên đã đi thực tế đến huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, nhằm thu thập thông tin về thói quen sử dụng cũng như hiểu biết về mạng xã hội của thanh thiếu niên trên địa bàn.

Đối với nhiều bạn, đây là lần đầu tiên các bạn đi thực tế đến khu vực nông thôn như vậy nên không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng.

Sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp Nguyễn Phương Linh bộc bạch: “Trước chuyến đi tôi hơi lo lắng, nhưng cuối cùng chúng tôi đã thu thập được những thông tin hữu ích cho dự án”.

Trong một ngày đi thực tế, các bạn sinh viên đã phỏng vấn những đối tượng trong độ tuổi cần nghiên cứu và gặp gỡ đại diện chính quyền hai xã nơi các bạn thực hiện nghiên cứu.

Sinh viên ngành Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) đang thực hiện phỏng vấn nhóm tại huyện  Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Sinh viên ngành Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) đang thực hiện phỏng vấn nhóm tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Vũ Hải Nam, một trong số các bạn sinh viên tham gia chuyến thực tế, cho biết: “Điều khó khăn nhất là làm sao có thể thu thập được càng nhiều thông tin càng tốt vì không phải ai khi được phỏng vấn cũng sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ và ý kiến của họ”.

Kết quả khảo sát cho thấy thanh thiếu niên địa phương sử dụng mạng xã hội khá thường xuyên và theo trào lưu. Mạng xã hội còn là kênh để họ thể hiện bản thân. Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy những thanh thiếu niên này lại hiểu biết ít về rủi ro khi dùng mạng xã hội quá độ cũng như về tình trạng bắt nạt qua mạng xã hội.

Các bạn sinh viên đã đi Hòa Bình để thực hiện nghiên cứu và phỏng vấn chuyên sâu. Các bạn sinh viên đã đi Hòa Bình để thực hiện nghiên cứu và phỏng vấn chuyên sâu.

Với dữ liệu thu thập được từ chuyến thực tế, các bạn sinh viên cùng nhau xây dựng kế hoạch truyền thông trong 12 tháng để trình bày trước đại diện từ ChildFund. Các bạn sinh viên đã đề xuất xây dựng một trang Facebook do chính thanh thiếu niên địa phương quản lý. Nhóm các bạn trẻ này sẽ được tham gia tập huấn để có thể quản lý trang Facebook một cách hiệu quả, biến đây thành nơi thanh thiếu niên địa phương có thể nói lên tiếng nói và suy nghĩ của mình, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng nơi các bạn đang sống. Các bạn sinh viên cũng sử dụng ngôn ngữ tuổi ‘teen” để thiết kế các tài liệu in ấn, bảng tin, các cuộc thi ảnh/ làm video trực tuyến.

Ông Trần Văn Tú, cán bộ dự án từ ChildFund cho biết ông rất ấn tượng với lượng thông tin các bạn sinh viên thu thập được trong chỉ một ngày: “Dù thời gian ngắn ngủi nhưng các bạn đã hiểu đúng và bao quát về thói quen dùng mạng xã hội của thanh thiếu niên ở khu vực này. Tôi thấy mỗi đề xuất đều có thể triển khai trong thực tế. Điều này nằm ngoài mong đợi của tôi”.

Phạm Kiều Trang

  • Cộng đồng

Tin tức liên quan