Việt Nam đối mặt với việc thiếu hụt thông dịch viên

Việt Nam đối mặt với việc thiếu hụt thông dịch viên

Cùng với việc gia tăng số lượng doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam, nhu cầu thông dịch viên lành nghề cũng tăng nhanh. Tuy nhiên, hiện nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu này

Tại buổi tọa đàm do RMIT Việt Nam và Saigon Times Group đồng tổ chức, các đại biểu tham dự đã cùng thảo luận về việc thiếu hụt thông dịch viên cũng như những hệ lụy kèm theo.

Chuyên gia trong ngành, người làm công tác giáo dục và những thông dịch viên giàu kinh nghiệm cùng tham dự buổi tọa đàm. Chuyên gia trong ngành, người làm công tác giáo dục và những thông dịch viên giàu kinh nghiệm cùng tham dự buổi tọa đàm.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng thông dịch viên tăng do ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài hơn.

Trong phần trình bày của mình, ông Tuấn cho biết: “Dù nhiều trường đại học đã có chương trình ngôn ngữ chuyên biệt, nhưng nhu cầu về phiên dịch và thông dịch viên vẫn còn cao”.

Bà Võ Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự thuộc công ty cung cấp giải pháp nguồn nhân lực Manpower Group Việt Nam, bổ sung thêm: tìm phiên dịch viên thông thạo các ngôn ngữ châu Á cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Bà nói: “Nhu cầu tuyển dụng thông dịch và phiên dịch viên tiếng Nhật, Hàn và Trung từ các công ty đa quốc gia chuyên gia công và về điện tử là cực kỳ lớn. Để có thể đáp ứng nhu cầu này, việc đào tạo nhân lực cần đi đôi với nhu cầu doanh nghiệp. Vì vậy, nên dạy ngoại ngữ và đào tạo kỹ năng mềm để giúp sinh viên chuẩn bị sẵn sàng cho công việc thực tế”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Dương Thị Hoàng Oanh trình bày về các thuộc tính cần thiết của biên dịch và phiên dịch viên Phó Giáo sư Tiến sĩ Dương Thị Hoàng Oanh trình bày về các thuộc tính cần thiết của biên dịch và phiên dịch viên

Trong khi đó, theo Phó giáo sư Tiến sĩ Dương Thị Hoàng Oanh, Đại học RMIT Việt Nam, bên cạnh kỹ năng về ngôn ngữ, biên dịch hoặc phiên dịch viên giỏi nghề cần thêm kỹ năng mềm.

“Để trở thành biên dịch hoặc phiên dịch viên lành nghề, ngoài việc giỏi ngoại ngữ, người làm nghề cần có kỹ năng ghi chép tốt, chủ động và khả năng trình bày rành mạch trước đám đông”.

Ông Phạm Xuân Hoàng Ân (phải), thông dịch viên giàu kinh nghiệm, cùng một bạn sinh viên thể hiện công việc thông dịch Ông Phạm Xuân Hoàng Ân (phải), thông dịch viên giàu kinh nghiệm, cùng một bạn sinh viên thể hiện công việc thông dịch

Ông Jacob Heinrich, Trưởng khoa Ngôn ngữ và tiếng Anh, Đại học RMIT Việt Nam, nhận xét rằng nhiều cơ hội rộng mở cho các chuyên gia ngôn ngữ, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

“Việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế mở ra nhiều cơ hội để các chuyên gia ngôn ngữ làm việc trong những lĩnh vực chuyên biệt. Với chương trình Cử nhân Ngôn ngữ mới tại RMIT Việt Nam, sinh viên có thể chọn học chuyên ngành tiếng Nhật, hoặc Biên Phiên dịch, hoặc cả hai. Đây là những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới, vì kỹ năng ngôn ngữ cùng với hiểu biết về văn hóa và kiến thức chuyên ngành là điều mà nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang rất cần”.

Người tham dự đặt câu hỏi tron tọa đàm "Nhân lực thông dịch viên: Vì sao đãi cát khó tìm vàng?". Người tham dự đặt câu hỏi tron tọa đàm "Nhân lực thông dịch viên: Vì sao đãi cát khó tìm vàng?".

Khách tham dự tọa đàm cũng đề cập đến những mối nguy công nghệ tiềm ẩn đối với thông dịch viên như Google Translate hay Pixel Buds - tai nghe thông minh có khả năng dịch đến 40 thứ tiếng – vừa ra mắt tháng trước. Tuy nhiên, hầu hết diễn giả đều đồng ý rằng những công cụ dịch này không thể so sánh với những biên dịch và phiên dịch viên có nghề.

Sự kiện diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 1/11 đã thu hút khoảng 130 người tham dự trong đó có viên chức nhà nước, đại diện doanh nghiệp, những người làm công tác giáo dục, và sinh viên RMIT Việt Nam cũng như các trường khác.

Bài: Lê Mộng Thúy

  • Ngôn ngữ
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan