Tiến sĩ Phượng Nguyễn - Đam mê theo đuổi những cống hiến cho xã hội

Tiến sĩ Phượng Nguyễn - Đam mê theo đuổi những cống hiến cho xã hội

Từ công việc tại Liên Hợp Quốc đến vị trí giảng dạy ở Ấn Độ, sự nghiệp của Tiến sĩ Phượng Nguyễn luôn gắn liền với mong muốn xây dựng cuộc sống bền vững và giúp ích cho người khác. Hiện cô là giảng viên tại RMIT, phụ trách môn Tư duy thiết kế trong kinh doanh và vẫn tiếp tục nỗ lực mang đến giá trị tích cực cho cộng đồng.

Ngay từ buổi đầu của sự nghiệp học thuật, Tiến sĩ Phượng Nguyễn luôn chủ động hướng tới những lựa chọn để cô có cơ hội giúp ích cho xã hội. 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương, cô tìm được công việc tại Liên Hợp Quốc, làm việc trong một chương trình di cư nhân đạo. Dù tìm thấy nhiều ý nghĩa trong công việc, Tiến sĩ Phượng Nguyễn vẫn hướng tới những thử thách lớn hơn và mong muốn có cơ hội trau dồi kiến thức và kỹ năng quản lý. Lúc đó, cô chọn học Thạc sĩ tại Đại học Northampton, nơi cô vinh dự nhận giải thưởng “Sinh viên của năm” nhờ vào những hoạt động thiện nguyện mình đã tham gia.

Sau khi quay lại Liên Hợp Quốc làm việc tại Luân Đôn, Anh Quốc, cô quyết định tiếp tục học tiếp lên bậc Tiến sĩ. Cô nhận học bổng của Chính phủ Nhật và hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Thái Lan, nghiên cứu tập trung các vấn đề về phụ nữ, việc làm và di cư.

Trong thời gian làm luận văn Tiến sĩ, cô nhận ra đam mê của mình trong việc giảng dạy. 

Tiến sĩ Phượng Nguyễn, giảng viên tại RMIT Việt Nam Tiến sĩ Phượng Nguyễn, giảng viên tại RMIT Việt Nam

Sau đó, cô chuyển đến sống tại Ấn Độ, làm giáo sư bậc 1 tại Shiv Nadar Institution of Eminence thuộc thủ đô New Delhi và phụ trách các môn học về Chiến lược Kinh doanh Bền vững. “Một cách tự nhiên, tôi luôn hướng tới tính bền vững trong cuộc sống và kinh doanh để tạo ra lợi ích cho kinh tế và xã hội. Những giờ học này giúp tôi dễ dàng lan tỏa những giá trị tích cực mà mình theo đuổi.”

Hiện cô đang phụ trách môn học “Tư duy thiết kế trong kinh doanh” tại RMIT Việt Nam. “Trong lớp, vai trò của tôi là người dẫn dắt. Sinh viên như những người bơi trên biển kiến thức và tôi là người hướng dẫn. Môn học Tư duy Thiết kế chính là ngọn hải đăng mà theo đó, các bạn hướng tới để đạt được mục đích của mình, dù mỗi người sẽ có một cách bơi khác nhau.” 

Tiến sĩ Phượng Nguyễn cũng không ngần ngại mang kinh nghiệm làm việc  từ mảng phi lợi nhuận của mình vào lớp học, chỉ ra những sự tương đồng giữa nghiên cứu dân tộc học và nguyên lý của tư duy thiết kế. “Tư duy thiết kế đòi hỏi bạn phải hiểu rõ khách hàng, những điểm bất cập và nhu cầu mà họ hướng tới. Điều này cũng tương đồng với trải nghiệm làm việc của tôi tại Liên Hợp Quốc, khi tôi đến thăm các trung tâm giam giữ, phỏng vấn những người di trú bất hợp pháp hoặc khi sống tại các địa phương nơi có những lao động hồi hương. Với những kinh nghiệm đó, tôi hiểu được hoàn cảnh khó khăn của người khác một cách thấu đáo hơn. Tôi luôn khuyên học viên rằng, nếu các bạn muốn hiểu được khách hàng, đừng chỉ gửi những bài khảo sát hoặc trao đổi trực tuyến, hãy đến tận nơi để gặp mặt trực tiếp. Chỉ có thế bạn mới thật sự hiểu được cội nguồn của vấn đề.”

Chia sẻ

Tin tức liên quan