Với hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu tâm lý học ở trường Đại học, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần của xã hội Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh là giảng viên Tâm lý học tại Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, RMIT Việt Nam, đồng thời là chủ nhiệm bộ môn của ngành này.
Theo bà, ngày nay giới trẻ ở Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức chưa từng có trước đây.
“Hầu hết những áp lực phổ biến mà tôi ghi nhận từ các bạn trẻ hiện nay là sự căng thẳng trong học tập , sự bất định về tương lai của bản thân, cũng như sự kỳ vọng cao từ bố mẹ”, Tiến sĩ Quỳnh Anh cho biết.
“Các em thường loay hoay tự mình đối mặt và xoay xở với những thách thức này vì cảm thấy khó khăn khi tìm người lớn xin lời khuyên hay nhờ giúp đỡ”.
Do đó, một trong những dự án mà Tiến sĩ Quỳnh Anh đang tiến hành hiện nay là nâng cao năng lực về sức khỏe tâm thần và sự an lạc cho giáo viên trung học, nhằm mục đích xây dựng sức mạnh nội tại cho giáo viên và các em học sinh.
Bà khẳng định, “bằng cách nâng cao sức khỏe tâm thần cho tất cả mọi người bắt đầu từ trường học tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra một thế giới an toàn và bền vững hơn cho thế hệ trẻ”.
Khám phá thế giới tâm lý học cùng Tiến sĩ Quỳnh Anh tại đây:
Với hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu tâm lý học ở trường Đại học, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần của xã hội Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng.
Trên hành trình khám phá bản thân và hỗ trợ người khác, tâm lý học luôn mang lại cho tôi nhiều sự ngạc nhiên. Tâm lý học không chỉ hỗ trợ tôi hiểu người khác mà còn giúp tôi nhận biết sâu hơn về tâm trí và cảm xúc của chính bản thân mình.
Gặp gỡ chuyên gia
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh
Nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần ở giới trẻ Việt Nam
Xin chào, tôi là Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, giảng viên Tâm lý học tại Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, RMIT Việt Nam, đồng thời là chủ nhiệm bộ môn của ngành này.
Tôi đặc biệt quan tâm đến tâm lý học và vấn đề sức khỏe tâm thần của xã hội Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng.
Tôi có hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy tâm lý học và hầu hết thời gian tôi làm việc với các em học sinh-sinh viên. Từ kinh nghiệm giảng dạy, tôi nhận thấy ngày nay các bạn trẻ ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có.
Hầu hết những áp lực phổ biến mà tôi ghi nhận từ các bạn trẻ hiện nay là sự căng thẳng trong học tập, sự bất định về tương lai của bản thân, cũng như kỳ vọng cao từ bố mẹ.
Các em thường loay hoay tự mình đối mặt và xoay xở với những thách thức này vì cảm thấy khó khăn khi tìm người lớn xin lời khuyên hay nhờ giúp đỡ.
Tôi thấy rằng điều quan trọng là phải xây dựng được sức mạnh nội tại cho các em để các em có thể tự quản lý cảm xúc và khó khăn của bản thân, biết được khi nào và làm thế nào để tìm sự giúp đỡ khi cần.
Một trong những dự án tôi đang tiến hành là nâng cao năng lực về sức khỏe tâm thần và sự an lạc cho giáo viên. Dự án này tập trung vào ba khía cạnh chính.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của giáo viên để giúp họ hiểu rõ sức khỏe tâm thần và sự an lạc là gì.
Thứ hai, hình thành cho giáo viên kỹ năng nhận biết các dấu hiệu sức khỏe tâm thần đang hình thành và phát triển ở học sinh, cũng như chiến lược tiếp cận và hỗ trợ ban đầu cho các em với sự quan tâm và tình yêu thương.
Cuối cùng, chúng tôi cũng hình thành kỹ năng tự chăm sóc bản thân và sức khỏe tâm thần cho giáo viên để họ biết cách chăm sóc chính mình, và dạy những kỹ năng này cho các em học sinh.
Truyền cảm hứng yêu thích tâm lý học cho sinh viên cần phương thức tiếp cận đa chiều và đa giai đoạn. Quá trình dạy học giúp các em hiểu rằng tâm lý học không đơn thuần là tham vấn hay điều trị tâm lý, mà đó là ngành khoa học của cuộc sống thường nhật, tìm hiểu sự phức tạp và thú vị của hành vi con người và những gì đang diễn ra đằng sau hành vi đó.
Cuối cùng, tâm lý học hướng đến giúp đỡ con người tìm thấy sự hạnh phúc từ bên trong và sống hòa hợp với những người xung quanh.
Ngoài giờ làm việc, tôi còn có nhiều thú vui khác. Tôi thực hành chánh niệm mỗi ngày. Ngay cả khi quá bận rộn, tôi vẫn dành khoảng năm phút để tĩnh tâm, lắng nghe cảm xúc cơ thể, xoa dịu căng thẳng và mệt mỏi nếu có. Thực hành chánh niệm cũng giúp tôi hiểu thêm về hành trình phát triển của bản thân.
Việc dành thời gian cho gia đình, đặc biệt là hai con, đóng vai trò quan trọng trong hành trình hiểu về bản thân của tôi.
Các con là nguồn động lực của tôi. Bằng cách nâng cao sức khỏe tâm thần và sự an lạc cho tất cả mọi người, tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra một thế giới an toàn và bền vững hơn cho thế hệ trẻ.