RMIT Việt Nam thắng giải Rồng Vàng lần thứ 20 liên tiếp

RMIT Việt Nam thắng giải Rồng Vàng lần thứ 20 liên tiếp

Đại học RMIT Việt Nam vừa được vinh danh trong Top 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2023-2024 tại lễ trao giải Rồng Vàng diễn ra ở TP. Hải Phòng.

Đây là lần thứ 20 liên tiếp Đại học RMIT nhận giải thưởng này nhờ những thành tựu xuất sắc và danh tiếng trên vị thế là đại học quốc tế hàng đầu Việt Nam.

Ra mắt từ năm 2001, Giải thưởng Rồng Vàng là chương trình giải thưởng lớn nhất do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Giải thưởng năm nay vinh danh 50 doanh nghiệp FDI uy tín với thành tích nổi bật về chuyển đổi số, trách nhiệm xã hội, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Bà Jodie Altan, Phó tổng giám đốc phụ trách Đối ngoại, Đại học RMIT Việt Nam (giữa) nhận giải thưởng từ Phó trưởng ban Kinh tế trung ương ông Nguyễn Đức Hiển (trái) và Tổng thư ký/Tổng giám đốc Tạp chí Kinh tế Việt Nam ông Đào Quang Bính (phải). (Hình: Tạp chí Kinh tế Việt Nam) Bà Jodie Altan, Phó tổng giám đốc phụ trách Đối ngoại, Đại học RMIT Việt Nam (giữa) nhận giải thưởng từ Phó trưởng ban Kinh tế trung ương ông Nguyễn Đức Hiển (trái) và Tổng thư ký/Tổng giám đốc Tạp chí Kinh tế Việt Nam ông Đào Quang Bính (phải). (Hình: Tạp chí Kinh tế Việt Nam)

Đại diện cho RMIT Việt Nam lên nhận giải thưởng, Phó tổng giám đốc phụ trách Đối ngoại bà Jodie Altan cho biết với hai cơ sở hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, hơn 12.000 sinh viên đang theo học, 22.500 cựu sinh viên và 1.300 cán bộ giảng viên, RMIT tự hào về sự hiện diện lâu năm của nhà trường tại Việt Nam.

“Chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam được gần 25 năm. Trở thành một phần của đất nước này vừa là cơ hội, vừa là niềm vinh dự đối với chúng tôi, và RMIT đảm nhận vai trò tại Việt Nam một cách hết sức tự hào và nghiêm túc”, bà nói.

“RMIT có tầm nhìn rõ ràng là trở thành một trường đại học có tầm ảnh hưởng hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tầm nhìn đó”.

Năm ngoái, Đại học RMIT đã ra mắt Cam kết hành động tại Việt Nam bao gồm các sáng kiến chiến lược và hành động mà RMIT sẽ triển khai trong những năm tới để thực hiện lời hứa và trách nhiệm xã hội của nhà trường tại Việt Nam.

Bà Altan cho biết nhà trường sẽ cam kết định hướng các chương trình đại học/sau đại học, hoạt động nghiên cứu và gắn kết cộng đồng của nhà trường theo các lĩnh vực trọng yếu có khả năng tạo nên sự khác biệt cho cộng đồng.

Các lĩnh vực này nằm trong bốn trụ cột chiến lược của nhà trường, gồm: công nghệ mới nổi, thành phố thông minh và bền vững, đổi mới xã hội, và hợp tác khu vực.

Với công nghệ mới nổi, nhà trường mong muốn góp phần nâng cao năng lực công nghệ tổng thể của Việt Nam và tương lai chuyển đổi số.

Các thành phố thông minh và bền vững vô cùng quan trọng cho sự phát triển tương lai của Việt Nam. Vì vậy, RMIT sẽ gắn kết các hoạt động của nhà trường với các mục tiêu của đất nước liên quan đến năng lực cạnh tranh kinh tế, phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông minh và kinh tế số.

Đổi mới xã hội là một trọng tâm khác, nhấn mạnh vai trò của RMIT trong việc nuôi dưỡng tài năng, kiến thức và sự gắn kết cần thiết của con người với văn hóa, sáng tạo và xã hội.

Bằng cách tăng cường hợp tác khu vực, nhà trường mong muốn đẩy mạnh quan hệ Australia-Việt Nam, đóng góp vào xây dựng chính sách, đảm bảo chất lượng giáo dục, an ninh biên giới và quốc phòng.

“Bốn trụ cột này phù hợp với chiến lược toàn cầu của RMIT giai đoạn 2022-2031 mang tên Biến tri thức thành hành động. Đây cũng là những lĩnh vực nơi thế mạnh của RMIT có thể hỗ trợ tốt nhất cho nhu cầu của Việt Nam và khu vực”, bà Altan cho hay.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Thành tích

Tin tức liên quan