Sinh viên và cựu sinh viên RMIT hợp sức trong các dự án khởi nghiệp

Sinh viên và cựu sinh viên RMIT hợp sức trong các dự án khởi nghiệp

Học kỳ vừa qua, sinh viên môn Khởi nghiệp ứng dụng đã hỗ trợ cựu sinh viên RMIT Việt Nam, đồng thời đề xuất kế hoạch để các bạn phát triển start-up (công ty khởi nghiệp) của họ.

Dự án hợp tác này tạo nên một “vườn ươm khởi nghiệp mini”, kết nối sinh viên Khoa Kinh doanh và Quản trị với những cựu sinh viên RMIT đang khởi nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau.

Sinh viên hoạt động theo nhóm, làm việc với tư cách chuyên viên tư vấn kinh doanh và đề xuất những phương án tiềm năng để các cựu sinh viên giải quyết vấn đề và/ hoặc tận dụng cơ hội phát triển doanh nghiệp của họ.

Để làm được điều này, sinh viên áp dụng những công cụ và phương pháp học được trong lớp, tìm hiểu khó khăn và nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như phát triển những mô hình kinh doanh khả thi.

“Mục tiêu học tập của môn này là để sinh viên tích luỹ kinh nghiệm, và để phát triển kiến thức khởi nghiệp thành những kỹ năng thiết thực,” cô Nguyễn Thị Minh Thư, giảng viên môn Khởi nghiệp ứng dụng, giải thích.

Sinh viên đóng vai trò tư vấn cũng nhận được lời khuyên quý giá từ các chuyên gia trong ngành, các nhà đầu tư hàng đầu và giảng viên trong quá trình các bạn thiết kế mô hình kinh doanh khả thi cho khách hàng. Sinh viên đóng vai trò tư vấn cũng nhận được lời khuyên quý giá từ các chuyên gia trong ngành, các nhà đầu tư hàng đầu và giảng viên trong quá trình các bạn thiết kế mô hình kinh doanh khả thi cho khách hàng.

Võ Nguyễn Hải Trân, sinh viên ngành Cử nhân Kinh doanh (Marketing), cho biết bạn thật sự trân trọng những cơ hội mà bạn và đồng đội có được từ dự án này.

Trân chia sẻ: “Chúng tôi có cơ hội đưa nhiều kiến thức và kỹ năng vào dự án thực tiễn này. Chúng tôi áp dụng những điều được học từ khởi nghiệp, marketing cho đến tài chính, cũng như những kỹ năng như làm việc nhóm và quản lý dự án”.

Sinh viên môn Khởi nghiệp ứng dụng, cũng như nhiều môn học khác tại RMIT Việt Nam, được học từ những dự án thực tiễn và được đánh giá không chỉ dựa trên kiến thức, mà còn dựa trên kỹ năng và khả năng ứng dụng những kiến thức này. Tuy nhiên, làm việc với các công ty khởi nghiệp đem đến cho sinh viên nhiều cơ hội tạo ra những tác động thật hơn.

“Làm việc với các doanh nghiệp quy mô vẫn còn nhỏ đến vừa phải cho chúng tôi hiểu biết mang tính vĩ mô và chiến lược về cách công ty khởi nghiệp hoạt động, và sự linh động trong thực hiện cải cách”, Lê Trương Đức Hưng, cựu sinh viên ngành Cử nhân Kinh doanh và là đồng sáng lập nước uống Filawai, giải thích.

Với hầu hết các công ty tham gia dự án đều đang trong giai đoạn sơ khai, Hưng nhấn mạnh vào giá trị của việc hiểu về những năm đầu tiên của start-up - giai đoạn nhiều công ty khởi nghiệp đã thất bại.

“Đây là cơ hội tuyệt vời để các bạn sinh viên học hỏi về thử thách thường gặp của một start-up trong những năm đầu tiên, đồng thời áp dụng những điều các bạn đã học để vượt qua những thử thách này. Trải nghiệm này sẽ đặc biệt hữu ích với những bạn khao khát khởi nghiệp”, Hưng cho biết.

Sinh viên trình bày kế hoạch phát triển doanh nghiệp tại triển lãm cuối học kỳ. Sinh viên trình bày kế hoạch phát triển doanh nghiệp tại triển lãm cuối học kỳ.

Việc cộng tác không chỉ đem đến lợi ích có giá trị cho cả chủ sở hữu các start-up và các bạn sinh viên đóng vai trò tư vấn, mà còn nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp vốn là một phần bản sắc của RMIT.

“Làm việc với những bạn sinh viên trẻ nhưng chuyên nghiệp và chín chắn khiến chúng tôi càng nóng lòng muốn làm thật tốt, để có thể là nguồn cảm hứng và tấm gương sáng cho các bạn và cho những ai khát khao khởi nghiệp”, Hưng nói thêm.

Cũng như nhiều bạn cùng lớp, Quản Lê Bạch Kim, sinh viên ngành Cử nhân Kinh doanh (Quản lý chuỗi cung ứng & Logistics), hiện hứng thú hơn với việc khởi nghiệp.

Bạch Kim chia sẻ: “Dự án đầy thử thách nhưng xứng đáng. Chúng tôi được trải nghiệm việc trở thành một doanh nhân khởi nghiệp và làm thành viên trong một nhóm khởi nghiệp. Chúng tôi xây dựng sự tự tin và khả năng để tự mình có thể bắt đầu kinh doanh trong tương lai nếu muốn”.

Dự án là một phần trong nỗ lực không ngừng của RMIT Việt Nam nhằm xây dựng văn hoá khởi nghiệp tại trường và trong cộng đồng. Bên cạnh những hoạt động cấp đại học như dự án này, trường cũng sẽ ra mắt chương trình đào tạo chứng chỉ sau đại học về khởi nghiệp. Chương trình là cơ hội để học và thực hành quá trình thiết lập một doanh nghiệp khởi nghiệp mới qua hàng loạt trải nghiệm học tập và hợp tác thực tế.

Bài: Lê Thanh Phương

  • Dự án sinh viên
  • Bệ phóng khởi nghiệp

Tin tức liên quan