Sự trỗi dậy của mã độc tống tiền và vấn đề an ninh mạng

Sự trỗi dậy của mã độc tống tiền và vấn đề an ninh mạng

Với sự xuất hiện của mã độc tống tiền - ransomware như virus WannaCry gần đây, an ninh mạng trở thành chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của các học giả trong nước và quốc tế.

Một nhóm các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng đã tụ hội tại Hội nghị quốc tế về Khoa học cung cấp thông tin và ứng dụng Công nghệ thông tin trong giáo dục (InSITE) ở cơ sở Nam Sài Gòn, Đại học RMIT Việt Nam, để tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến mã độc tống tiền, và giải pháp đối phó với loại mã này.

Tiến sĩ Azad Ali, Giáo sư Công nghệ thông tin tại Cao đẳng Kinh doanh Eberly thuộc Đại học Pennsylvania, Ấn Độ, đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân ông trong xử lý mã độc tống tiền giống WannaCry.

Virus WannaCry đã tấn công hàng trăm ngàn máy tính trên toàn thế giới, đánh cắp dữ liệu của người dùng sau đó giữ lại để đòi tiền chuộc nên mới có tên gọi ransomware – mã độc tống tiền.

Ông cho biết: “Ngay cả những máy tính hiện đại nhất cũng có thể bị mã độc tống tiền tấn công một phần vì không nhiều người có đủ kiến thức về loại hình tấn công máy tính này. Vì vậy, phổ biến thông tin và giáo dục mọi người về mối nguy của mã độc tống tiền là việc làm cần thiết để đối phó với vấn nạn này. Ví dụ, chúng ta nên khuyến khích mọi người không nhấn vào đường link hoặc email lạ, đồng thời luôn sao lưu dữ liệu để phòng trường hợp bị tấn công”.

Phó giáo sư Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Thương mại và Quản trị RMIT Việt Nam tại phòng Thực hành an ninh mạng Phó giáo sư Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Thương mại và Quản trị RMIT Việt Nam tại phòng Thực hành an ninh mạng

Ngoài mã độc tống tiền, các chuyên gia cũng thảo luận về việc tấn công thay đổi nội dung website và những dạng tấn công mạng phổ biến khác.

Phó giáo sư Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Thương mại và Quản trị RMIT Việt Nam và là thành viên trong ban tổ chức sự kiện, cho biết các tổ chức cần nâng cao kiến thức về an ninh mạng. Ông chia sẻ thêm rằng, Phòng Thực hành an ninh mạng của trường với các thiết bị hiện đại sẽ chuẩn bị cho sinh viên nhận lãnh những công việc đòi hỏi cao trong lĩnh vực an ninh mạng.

Phó giáo sư Mathews nói: “Phòng Thực hành an ninh mạng với các thiết bị hiện đại bậc nhất sẽ chuẩn bị cho sinh viên nhận lãnh những công việc trên ngay sau khi tốt nghiệp từ RMIT Việt Nam. Phòng thực hành này đặc biệt thiết kế cho sinh viên kinh doanh để học các môn về bảo mật mạng lưới, bảo mật hệ thống thông tin trong công nghệ thông tin, bảo mật kinh doanh số, quản trị rủi ro và kế toán pháp lý".

Về Hội thảo InSITE

Hội thảo Khoa học cung cấp thông tin và Công nghệ thông tin trong giáo dục (InSITE) 2017 do Viện Khoa học về cung cấp thông tin (ISI) và Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức tại cơ sở Nam Sài Gòn từ 31/7 đến 5/8/2017. Hội thảo kéo dài một tuần, với sự bảo trợ của Khoa Kinh doanh và Quản trị cùng Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số, RMIT Việt Nam, là dịp để các học giả trên khắp thế giới chia sẻ nghiên cứu, đồng thời hợp tác trên những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc nghiên cứu và thực hiện công nghệ kỹ thuật số trong giáo dục.

Bài: Lê Mộng Thúy

  • Kỹ thuật
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan