Cựu sinh viên RMIT góp sức tạo sân chơi cho người yêu nhiếp ảnh

Cựu sinh viên RMIT góp sức tạo sân chơi cho người yêu nhiếp ảnh

Một nhóm bạn trẻ đã tạo một không gian trực tuyến dành cho những người yêu nhiếp ảnh ở Việt Nam trưng bày và quảng bá tác phẩm của mình, đồng thời chia sẻ thủ thuật nhiếp ảnh với cộng đồng.

Cựu sinh viên RMIT Việt Nam Phạm Hà Duy Linh và bạn của mình là Mai Nguyên Anh và Vũ Tiến Đạt đã cùng nhau sáng lập matca.vn - trang web dành cho dân mới chơi nhiếp ảnh. Tên gọi matca (mắt cá) tiếng Anh là fisheye dùng để chỉ một loại ống kính nhiếp ảnh.

Nhóm lý giải rằng, ý nghĩa đằng sau cái tên này chính là việc ống kính fisheye cho góc nhìn cực rộng cũng như matca đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng lên cộng đồng những người yêu nhiếp ảnh tại Việt Nam.

Ngoài việc mang đến không gian trực tuyến dành cho các bạn trẻ yêu nhiếp ảnh, nhóm còn triển khai một số sáng kiến thực tế. Các bạn tham gia thực hiện loạt triển lãm ảnh mang tên The Reel – dự án trình chiếu ảnh đồng thời diễn ra ở cả Việt Nam và Indonesia, nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, hiểu biết xã hội và nhận thức thị giác qua các bộ ảnh hấp dẫn. Tháng 6 vừa qua, buổi trình chiếu ảnh lần thứ hai của The Reel được tổ chức đồng thời tại ba địa điểm, một ở Indonesia và hai ở Việt Nam.

Linh là cựu sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế tại RMIT Việt Nam năm 2013. Bạn là người chuyên chụp ảnh báo chí đã giành được nhiều giải thưởng. Linh hiện đóng góp ảnh cho Getty Images và có tác phẩm được đăng trên The New York Times, The Wall Street Journal, The Washington Post, Bloomberg, The Huffington Post, và nhiều tờ khác. Dù hoạt động trên phạm vi quốc tế, các tác phẩm của cá nhân Linh thường tập trung ghi nhận các vấn đề diễn ra trong cộng đồng Việt Nam.

Một trong những tác phẩm do Linh chụp tại Kinpun, Mon State, Myanmar. Một trong những tác phẩm do Linh chụp tại Kinpun, Mon State, Myanmar.

Đào Thu Hà và Đặng Phan Sơn là hai thành viên khác của matca và đều là cựu sinh viên của RMIT Việt Nam. Hiện Hà đang phụ trách biên tập nội dung cho trang matca, đồng thời thực hiện các dự án nhiếp ảnh riêng xoay quanh đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và về chính cuộc sống của cá nhân cô.

Hà từng giành được học bổng toàn phần của RMIT Việt Nam và sẽ nhận bằng Cử nhân Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) trong năm nay.

Các thành viên của matca (từ trái sang) Phạm Hà Duy Linh, Mai Nguyên Anh và (bìa phải) Đặng Phan Sơn Các thành viên của matca (từ trái sang) Phạm Hà Duy Linh, Mai Nguyên Anh và (bìa phải) Đặng Phan Sơn

Mới đây, cô đã tham gia dự án Cụng, Đụng, Chạm – chương trình hợp tác giữa các nghệ sĩ và một nhóm đồng bào dân tộc thiểu số do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường tổ chức.

Chia sẻ về tâm huyết của mình dành cho matca, Hà nói: “Trong một thế giới bão hoà về hình ảnh và khi việc chụp ảnh có thể tự thực hiện dễ dàng hơn, cũng như việc ghi lại khoảnh khắc đang là trào lưu, nhiếp ảnh dần đánh mất bản sắc và giá trị nghệ thuật vốn có. Chính vì vậy, matca ra đời trước tiên cũng xuất phát từ nhu cầu cá nhân để ghi nhận các tác phẩm nhiếp ảnh do các nhiếp ảnh gia trong nước thực hiện. Đó là các tác phẩm ảnh mang nhiều tầng nghĩa thể hiện được những gì đang diễn ra trong xã hội hiện nay hay chính quan điểm của cá nhân người cầm máy”.

Bài: Phạm Kiều Trang

  • Cộng đồng

Tin tức liên quan