Khi trên thế giới hiện chỉ có 7,2% vật liệu được tái sử dụng sau khi kết thúc vòng đời, một cựu sinh viên RMIT đang chứng minh rằng việc gìn giữ di sản văn hóa và xây dựng doanh nghiệp bền vững không hề mâu thuẫn, mà thậm chí có thể song hành để góp phần thay đổi tương lai.
Đây chính là câu chuyên của Nguyễn Huyền Châu, người sáng lập và Giám đốc điều hành của VAN•HOA Creative Studio. Năm năm sau khi thành lập với mong muốn đơn giản là tạo ra những món quà “nhìn là thấy Việt Nam” cho bạn bè quốc tế, Châu đã xây dựng nên một doanh nghiệp sáng tạo thân thiện với môi trường, tái định nghĩa cách văn hóa Việt có thể thúc đẩy đổi mới trên toàn cầu.
Hiện nay, VAN•HOA cung cấp các dịch vụ tư vấn sáng tạo, nghiên cứu văn hóa và thiết kế bền vững cho nhiều khách hàng như UNESCO Việt Nam, Vietnam Airlines hay Cục Du lịch Đài Loan. Đây là những lĩnh vực ngày càng quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, khi ngành sáng tạo chiếm đến 19% tổng xuất khẩu dịch vụ toàn cầu và 84% người tiêu dùng coi yếu tố bền vững là tiêu chí quan trọng khi lựa chọn sản phẩm.
“Tại VAN•HOA, chúng tôi tin rằng sự phát triển và bền vững bắt nguồn từ việc hiểu rõ văn hóa và di sản của chính mình,” Châu chia sẻ. Đội ngũ của cô nghiên cứu chiều sâu văn hóa để khai mở những "lợi thế không thể thay thế" cho các doanh nghiệp đang tìm cách phát triển một cách có trách nhiệm.
Với Châu, thành công không chỉ về lợi nhuận mà còn là trách nhiệm. VAN•HOA luôn làm việc chặt chẽ với các cộng đồng địa phương, đảm bảo hoạt động kinh doanh công bằng và thực hiện các dự án trên tinh thần tôn trọng văn hóa và có trách nhiệm xã hội. Trong làn sóng thúc đẩy sự bền vững của các ngành sáng tạo trên toàn cầu, mô hình của Châu trở thành một hình mẫu đầy sức thuyết phục.
Ít ai ngờ rằng phía sau thành công của Châu là những bước khởi đầu đầy e dè. Khi còn là sinh viên ngành Thương mại tại RMIT, cô rất ít khi phát biểu trong lớp và thường chọn cách gặp riêng giảng viên để hỏi thay vì đặt câu hỏi trước mọi người.
Bước ngoặt đến khi một giảng viên nói với cô: “Trường học là nơi duy nhất em có thể mắc lỗi mà không phải trả giá quá đắt, nên hãy sai thật nhiều để học được nhiều hơn.”
“Khoảnh khắc đó đã thay đổi hoàn toàn cách tôi nhìn nhận về việc học,” Châu nhớ lại. “RMIT là nơi đầu tiên không chỉ khuyến khích tôi đặt câu hỏi mà còn tạo điều kiện để tôi thử nghiệm với những ý tưởng mới.”
Khi tư duy của Châu thay đổi, cô bắt đầu chủ động hơn, không ngại đặt những “câu hỏi thông minh" như giảng viên từng khuyên. Cô nhanh chóng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo và còn nhận được giải Thủ lĩnh Sinh viên của RMIT Việt Nam. Sự tự tin của cô cũng được bồi đắp qua các thử thách thực tế, như 808 Dance Studio - một dự án cô thành lập năm 2011 đã lọt top 10 cuộc thi Lập Kế hoạch kinh doanh của Đại học RMIT Melbourne.
Tại RMIT, Châu không chỉ học kiến thức chuyên môn mà còn có cơ hội khám phá khả năng lãnh đạo và tạo ảnh hưởng. Cô đồng sáng lập các câu lạc bộ sinh viên, tham gia tình nguyện cùng những tổ chức quốc tế để rèn luyện kỹ năng quản lý dự án và xây dựng mối quan hệ - đây là những yếu tố quan trọng trong hành trình khởi nghiệp của Châu sau này. Nền tảng đó giúp Châu định hướng con đường mình theo đuổi sau khi hoàn thành chương trình cử nhân.
Sau khi tốt nghiệp, tinh thần khám phá đã đưa Châu trải nghiệm nhiều vị trí tại các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp đầu tư nhà nước lớn nhất Việt Nam. Nhưng nó cũng đưa cô đến những công việc mang lại ý nghĩa xã hội.
Châu đồng sáng lập School for Kids Vietnam, huy động 32.000 đô la để xây trường cho 200 trẻ em dân tộc thiểu số, cũng như CA’ Library – thư viện nghệ thuật và kiến trúc đầu tiên ở Hà Nội. Đóng góp của Châu cho xã hội đã giúp cô giành được Học bổng Lãnh đạo IATSS tại Nhật Bản, và gia nhập cộng đồng Global Shapers của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trở thành một trong những người Việt đầu tiên dưới 30 tuổi tham dự Cuộc họp thường niên tại Davos, Thụy Sĩ 2014.
Châu không đi theo một lộ trình có sẵn mà tự tạo nên con đường của mình. Hành trình của cô đại diện cho một thế hệ doanh nhân mới, những người định nghĩa thành công qua tác động đến cộng đồng và gìn giữ văn hóa, chứ không chỉ là lợi nhuận.
“Tôi muốn thế hệ trẻ không chỉ tự hào về di sản, mà còn biết cách ứng dụng di sản để tạo ra giá trị mới trong nghệ thuật, kinh doanh và cuộc sống,” Châu chia sẻ.
Thông qua startup VAN•HOA với tầm nhìn và khả năng thích ứng của mình, Châu mang sức sáng tạo Việt Nam vươn ra thế giới. Tại sự kiện Ngày Việt Nam 2022 ở Thụy Sĩ, VAN•HOA đã giới thiệu nghệ thuật dệt truyền thống và lan tỏa gần 20 thương hiệu bền vững Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Gần đây hơn, dự án hợp tác cùng Anantagraha (Indonesia) đem sáng tạo Việt vào môi trường kinh doanh đa văn hóa và quốc tế, giúp đội ngũ của cô vừa làm quen với những tiêu chuẩn quốc tế, vừa giữ vững bản sắc dân tộc.
Nhìn lại hành trình của mình, Châu thấy rõ một điều xuyên suốt: “Tôi sẵn sàng vì RMIT đã cho tôi tư duy và không gian để khám phá, phát triển và hành động; không phải vì tôi đã biết trước mọi thứ.”
Câu chuyện của cô mở ra góc nhìn mới về việc phát triển sự nghiệp, cho thấy rằng điều quan trọng không phải là biết tất cả từ đầu, mà là đủ dũng cảm để khám phá, đặt câu hỏi, và tìm sự kết nối mà người khác không nhận ra.
“Kế hoạch tiếp theo của tôi là đưa văn hóa Việt đến với những thị trường lớn hơn qua hợp tác quốc tế,” Châu nói. “Chúng tôi đang tạo ra những thiết kế bền vững lấy văn hóa làm cốt lõi. Đây là những giải pháp phục vụ cả doanh nghiệp lẫn cộng đồng.”
“Những gì tôi học được tại RMIT không chỉ là kiến thức học thuật mà còn là khả năng thích nghi, sự tự tin và cách biến những ý tưởng nhỏ thành tác động thực sự.”