RMIT mở rộng chương trình Học bổng Chắp cánh ước mơ

RMIT mở rộng chương trình Học bổng Chắp cánh ước mơ

Đại học RMIT trao tặng bốn Học bổng chắp cánh ước mơ cho sinh viên khuyết tật và khó khăn trong năm 2020.

Trường vừa hợp tác với bốn tổ chức phi lợi nhuận gồm REACH, KOTO, Hội người mù Việt Nam và Trung tâm Vì người mù Sao Mai, để trao bốn suất học bổng, trị giá bình quân 1,5 tỉ đồng mỗi suất.

Giáo sư Rick Bennett, Giám đốc cấp cao phụ trách đào tạo tại RMIT Việt Nam, cho biết định hướng mới trong chương trình học bổng sẽ đem đến cơ hội thay đổi cuộc đời cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam hơn nữa. Đây là những người nếu không có các suất học bổng này sẽ không có cơ hội theo học chương trình đại học.

Giáo sư cho biết: “Đại học RMIT đi vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 2000 theo mô hình phi lợi nhuận - toàn bộ lợi nhuận sẽ để lại Việt Nam và tái đầu tư lại cho trường qua việc trao học bổng, cải thiện trang thiết bị dạy và học, cũng như chia sẻ phương pháp giảng dạy với các trường bạn trong nước”.

“Riêng năm 2020, RMIT sẽ tái đầu tư 47 tỉ đồng (khoảng 2 triệu đô la Mỹ) vào chương trình học bổng. Chương trình này ra đời nhằm đảm bảo rằng các bạn sinh viên tài năng Việt Nam có được cơ hội phát triển vượt trội từ chương trình đại học chuẩn quốc tế tại RMIT Việt Nam. Bên cạnh chương trình học bổng thường niên, từ năm 2014, trường tập trung vào những hoạt động tác động đến cộng đồng nhiều hơn và dành ra 12 suất học bổng trị giá hơn 19,5 tỉ đồng trao cho các bạn sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn về thể chất và tài chính”.

Ngoài học phí toàn bộ chương trình tiếng Anh và đại học, cùng sinh hoạt phí hàng tháng, tiền nhà, một máy tính xách tay và chi phí về thăm quê (nếu cần), sinh viên nhận học bổng sẽ được hưởng trọn vẹn toàn bộ các lợi ích khác như chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế của đội ngũ giảng viên, trang thiết bị và cơ sở vật chất tiêu chuẩn cao, cũng như chương trình học bám sát thực tế đang diễn ra trong các ngành và mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp trong các ngành mà trường đã gầy dựng được trong nhiều năm qua.

Giáo sư Bennett còn nhấn mạnh vào nhiều cơ hội khác mà sinh viên nhận học bổng có thể tận dụng để cải thiện kỹ năng mềm và mở ra chân trời mới.

“Những cơ hội này bao gồm nhưng không giới hạn trong các hoạt động ngoại khoá do các CLB và tổ chức xã hội của sinh viên tổ chức, chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân, và cơ hội đi du học hoặc trao đổi sinh viên tại một trong 200 trường đối tác của RMIT trên khắp thế giới”.

Giám đốc điều hành Trung tâm Vì người mù Sao Mai ông Đặng Hoài Phúc và Giám đốc cấp cao phụ trách đào tạo RMIT Việt Nam Giáo sư Rick Bennett tại Buổi ký biên bản ghi nhớ vào ngày 18/3/2020. Giám đốc điều hành Trung tâm Vì người mù Sao Mai ông Đặng Hoài Phúc và Giám đốc cấp cao phụ trách đào tạo RMIT Việt Nam Giáo sư Rick Bennett tại Buổi ký biên bản ghi nhớ vào ngày 18/3/2020.

Đại học RMIT vừa ký biên bản ghi nhớ với bốn tổ chức này tại cơ sở Nam Sài Gòn nhằm hợp tác trong việc chọn ra ứng viên nhận học bổng và một số hoạt động có liên quan khác.

Giáo sư Bennett chia sẻ: “Mỗi tổ chức sẽ quảng bá các suất học bổng này qua kênh riêng của họ, nhận đơn ứng tuyển, thay mặt RMIT Việt Nam xác minh và lọc hồ sơ ứng tuyển, sau đó chuyển hồ sơ đạt yêu cầu đến để RMIT đưa ra quyết định cuối cùng. Họ còn hợp tác với trường trong các môn học theo phương pháp Học tập phối hợp kinh nghiệm thực tiễn WIL. Theo đó, các tổ chức trên sẽ đóng vai khách hàng và đưa ra vấn đề thực để sinh viên RMIT giải quyết. Các tổ chức này còn thực hiện những buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi học và thực hành, và khi có thể còn giúp đỡ để RMIT có thể hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên nhận học bổng đến từ tổ chức của họ”.

Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người mù Việt Nam và Chủ tịch Hội Người mù TP. Hồ Chí Minh ông Nguyễn Đình Kiên và Giáo sư Rick Bennett tại Buổi ký biên bản ghi nhớ. Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người mù Việt Nam và Chủ tịch Hội Người mù TP. Hồ Chí Minh ông Nguyễn Đình Kiên và Giáo sư Rick Bennett tại Buổi ký biên bản ghi nhớ.

Bà Đinh Việt Anh, Phó chủ tịch Hội người mù Việt Nam, cho biết bà mong sẽ được hợp tác cùng RMIT Việt Nam trong chương trình học bổng mới. “Chương trình học bổng hết sức ý nghĩa này sẽ tạo cơ hội cho các bạn trẻ khiếm thị có cơ hội phát triển năng lực, tìm được công việc tốt trong tương lai và đóng góp vào sự phát triển xã hội”.

Giám đốc điều hành REACH Việt Nam bà Phạm Thị Thanh Tâm và Giáo sư Rick Bennett tại Buổi ký biên bản ghi nhớ. Giám đốc điều hành REACH Việt Nam bà Phạm Thị Thanh Tâm và Giáo sư Rick Bennett tại Buổi ký biên bản ghi nhớ.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Giám đốc điều hành REACH Việt Nam (một tổ chức phi lợi nhuận chuyên đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam), cũng bày tỏ sự vui mừng trước việc hợp tác mới này.

“Sự hợp tác giữa REACH và RMIT sẽ mang đến tia hy vọng cho học viên tốt nghiệp từ REACH, đem đến cho học viên tương lai tươi sáng hơn mà các bạn không bao giờ có thể tưởng tượng ra được, một hành trình thay đổi cuộc sống thật sự”, bà Tâm nói.

___

Giới thiệu sơ bộ các tổ chức phi lợi nhuận hợp tác với RMIT Việt Nam

REACH là tổ chức phi lợi nhuận địa phương chuyên đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Được thành lập vào năm 2008, hiện REACH có 11 khoá đào tạo nghề khác nhau với sáu trung tâm trên khắp Việt Nam. Hơn 17 ngàn học viên đã được REACH hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Tầm nhìn của REACH là tất cả thanh viên Việt Nam đều có cơ hội và sự hỗ trợ cần thiết để phát huy hết tiềm năng của mình.

KOTO, viết tắt của Know One, Teach One (biết một, dạy một), là một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận được thành lập từ năm 1999 nhằm giúp đỡ và trao quyền cho thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Việt Nam, thông qua chương trình đào tạo toàn diện ngành nhà hàng khách sạn được quốc tế công nhận. Hiện tại, KOTO cung cấp chỗ ăn ở, đem đến chương trình chăm sóc sức khoẻ, phúc lợi xã hội và đào tạo nghề cho gần 200 học viên tuổi từ 16-22. Cùng với việc cấp chứng chỉ nghề của Úc VET, KOTO đã giúp gần 1.000 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn thoát khỏi vòng nghèo đói.

Trung tâm Vì người mù Sao Mai là một tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ chính là tăng năng lực cho người khiếm thị thông qua việc phát triển và ứng dụng công nghệ trợ giúp trong giáo dục, việc làm và sống tự lập.

Hội người mù Việt Nam là một tổ chức xã hội đặc thù được thành lập từ năm 1969. Hội có nhiệm vụ tập hợp và giúp đỡ người mù về mặt xã hội, văn hoá và việc làm, tạo điều kiện để hội viên phấn đấu vươn lên hoà nhập cộng đồng. Hội có hệ thống từ Trung ương đến địa phương tại 56 tỉnh, thành với 74.390 hội viên trên toàn quốc.

  • Học bổng
  • Quốc tế
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan