Chuyên gia thảo luận về vận tải biển và logistics châu Á

Chuyên gia thảo luận về vận tải biển và logistics châu Á

Tại phiên thảo luận nhóm gần đây do Đại học RMIT Việt Nam tổ chức, các chuyên gia quốc tế cho biết Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đem đến vô vàn cơ hội cho vận tải biển và logistics ở khu vực châu Á, đặc biệt là Việt Nam.

Ông Henry Vo, Giám đốc Xuất khẩu biển của Expeditors, cùng với các chuyên gia quốc tế từ Maersk và DHL Global Forwarding, thảo luận về cơ hội cho Việt Nam từ cuộc chiến thương mại gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông Henry Vo, Giám đốc Xuất khẩu biển của Expeditors, cùng với các chuyên gia quốc tế từ Maersk và DHL Global Forwarding, thảo luận về cơ hội cho Việt Nam từ cuộc chiến thương mại gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ.

Thách thức về hạ tầng và kết nối

Ông Mark Cheong, Phụ trách Marketing và Bán hàng của DHL Global Forwarding, chia sẻ rằng “thương mại điện tử khiến thói quen người dùng thay đổi kéo theo toàn bộ chuỗi cung ứng cũng thay đổi theo”. Ông còn nhấn mạnh rằng cần áp dụng công nghệ mới để đối phó với thách thức này.

“Chúng tôi có thể xác định kết nối giữa món hàng và khách hàng nhờ đồng bộ hóa dữ liệu và chuyển giao dữ liệu”, ông Cheong giải thích khi thảo luận về cách công nghệ có thể giúp thúc đẩy kinh doanh như thế nào. “Điều này sẽ cải thiện dòng chảy thông tin từ sản xuất đến khách hàng. Và tại DHL, chúng tôi có mặt trực tuyến nên bạn có thể lấy báo giá từ bất kỳ nơi nào trên thế giới và đến bất cứ nơi đâu trên thế giới”.

Ông Tobias Gruemmer, Giám đốc Vận hành khu vực của Maersk (phụ trách Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào), lại cho biết ứng dụng công nghệ mới có thể cho phép khách hàng kiểm soát container của họ -- tình trạng cũng như độ an toàn của container – theo thời gian thực, còn blockchain có tiềm năng lớn nhất trong cắt giảm chi phí.

Ông Henry Vo, Giám đốc Xuất khẩu biển của Expeditors, thảo luận về cơ hội có thể đem đến cho Việt Nam từ cuộc chiến thương mại gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ. “Điều này có thể đem đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội nhập và xuất khẩu”, ông Henry Vo chia sẻ. “Nhiều công xưởng tiếp cận chúng tôi và thể hiện mong muốn muốn chuyển việc sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam”.

Cả ông Henry Vo và Phó giáo sư Robert McClelland, Trưởng nhóm bộ môn Quản trị thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, đều đồng tình rằng 12 hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam vừa ký kết với nhiều tổ chức ở nhiều nước khác nhau sẽ tạo cơ hội cho ngành vận tải biển và logistics.

Phó giáo sư McClelland cho biết dù cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đã phát triển những vẫn chưa tới lắm. Ông chia sẻ: “Liên quan đến công nghệ, Việt Nam không thua kém hầu hết các nước ở Đông Nam Á về một số mặt. Việt Nam có Lazada, mô hình tương tự như Amazon, khi nhiều đơn vị bán lẻ đang chuyển sang bán hàng trực tuyến; có Grab, một trong nhiều doanh nghiệp kỹ thuật số và công nghệ cao; cũng như nhiều công ty và doanh nghiệp đặt kỳ nghỉ và khách sạn trong chuỗi cung ứng. Tất cả những điều này đều tương đương với các nước trong khu vực Đông Nam Á”.

“Tuy nhiên, vận chuyển trong nước [liên quan đến hạ tầng cơ sở], hay kết nối trên đất liền, thì chưa tốt lắm”, Phó giáo sư giải thích.

“Chính phủ cần tăng tốc cải thiện hạ tầng vì dù hạ tầng hiện vẫn ổn, nhưng để duy trì điều này trong tương lai thì cần phải đầu tư từ bây giờ”, ông Gruemmer bình phẩm. Ông còn kêu gọi chính phủ phát triển ba cụm cảng phức hợp chính, đồng thời đẩy mạnh phát triển sân bay Long Thành để có thể vận chuyển container lớn hơn.

Tiếp cận theo hướng bền vững hơn

Tổ chức Hàng hải quốc tế đã chỉ định 1/1/2020 là ngày bắt đầu cắt giảm lượng lưu huỳnh trong dầu vận tải biển xuống đáng kể. Tổ chức Hàng hải quốc tế đã chỉ định 1/1/2020 là ngày bắt đầu cắt giảm lượng lưu huỳnh trong dầu vận tải biển xuống đáng kể.

Khi IMO 2020 (quyết định quan trọng của Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO, theo đó từ ngày 1/1/2020 sẽ giảm đáng kể lượng lưu huỳnh trong xăng dầu của tàu vận tải) đang đến gần, đại diện từ những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành này cũng chia sẻ cách làm của doanh nghiệp họ nhằm bền vững hơn trong kinh doanh.

Ông Cheong cho biết DHL đã xây dựng Trung tâm Cải cách đổi mới đặt tại hai địa điểm khác nhau, đồng thời áp dụng phương thức giao hàng thân thiện với môi trường hơn, còn từ tháng 6 năm nay Maersk sẽ cung cấp cho khách hàng của mình phương thức vận chuyển cân bằng carbon.

“Sản phẩm cân bằng carbon mới – lần đầu tiên có mặt trong ngành này – sẽ được thí điểm với một số khách hàng của Maersk, những đơn vị tích cực áp dụng giải pháp bền vững vào chuỗi cung ứng của họ”, ông Gruemmer trích dẫn từ thông cáo báo chí mới nhất của Maersk. “H&M Group là công ty đầu tiên thử tham gia vào việc chuyển đổi sang vận chuyển hướng đến cân bằng carbon”.

Trong khi chính phủ có thể cần cải thiện hạ tầng và kết nối ở Việt Nam, Phó giáo sư McClelland tin rằng đã đến lúc doanh nghiệp trong nước cần cân nhắc đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp CSR khi xem xét các thương vụ kinh doanh.

“Các công ty phải đưa tiêu chuẩn CSR vào kinh doanh, đặc biệt khi nhiều thỏa thuận tự do thương mại vừa được ký kết gần đây”, Phó giáo sư McClelland nói. “CSR có bộ chuẩn quốc tế và có thể Việt Nam chưa đạt đến mức đó, tuy nhiên đây vẫn là khía cạnh cần được chú ý đến, có thể không phải ở các công ty quốc tế tại Việt Nam, mà là ở các công ty Việt Nam có tham vọng bước chân ra đấu trường quốc tế”.

Bài: Hoàng Hà

 

  • Quan hệ doanh nghiệp
  • Logistics

Tin tức liên quan