Diễn đàn thảo luận cơ hội và thách thức ngành logistics Việt Nam

Diễn đàn thảo luận cơ hội và thách thức ngành logistics Việt Nam

Tại Diễn đàn Kết nối ở châu Á: Thương mại, Vận chuyển, Logistics và Kinh doanh 2018 do RMIT Việt Nam tổ chức, các đại biểu đã thảo luận về những thách thức và cơ hội trong ngành logistics.

Cơ hội đến từ thách thức

Trong phần trình bày về Logistics và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, Phó giáo sư Tiến sĩ (PGS.TS) Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ, cho biết doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh chi phí logistics quá lớn làm kìm hãm năng lực cạnh tranh của họ.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và là thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ, phân tích về logistics và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và là thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ, phân tích về logistics và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

“Trong năm 2016, chi phí logistics ở Việt Nam là 41,26 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 20,8 phần trăm GDP, trong khi chi phí này ở các nước phát triển chỉ từ chín đến 14 phần trăm”, ông nói.

Bà Đoàn Thị Diễm Hằng, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Schenker Việt Nam, lại chia sẻ về bốn thách thức chính mà ngành này đang phải đối mặt gồm kỳ vọng khách hàng thay đổi, công nghệ mới cho ngành logistics 4.0, môi trường ngày càng cạnh tranh, và hợp tác.

Bà Hằng nói: “Thị trường logistics và vận tải đã thay đổi dữ dội từ năm 2016”. Tuy nhiên, bà tin rằng “vẫn còn cơ hội rất lớn cho ngành logistics ở Việt Nam vì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trong năm 2018 và khoảng 60 phần trăm trong số này dành cho các công ty logistics”.

Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó giáo sư Robert McClelland, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, cũng chia sẻ rằng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề trọng yếu đang diễn ra ở Việt Nam.

“Đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần 300 ngàn người có chuyên môn về logistics, tác phong chuyên nghiệp và khả năng tiếng Anh tốt để làm việc trong lĩnh vực này”, Phó giáo sư McClelland cho biết.   

Cần nhân sự chất lượng cao để nắm bắt cơ hội

Tiến sĩ Phạm Công Hiệp (trái), Trưởng bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Khoa Quản trị và Kinh doanh RMIT Việt Nam, điều phối phiên thảo luận. Tiến sĩ Phạm Công Hiệp (trái), Trưởng bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Khoa Quản trị và Kinh doanh RMIT Việt Nam, điều phối phiên thảo luận.

Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, Trưởng bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Khoa Quản trị và Kinh doanh RMIT Việt Nam, đã điều phối phiên thảo luận. Ông bình luận thêm rằng khi thương mại điện tử ngày càng phát triển, ranh giới giữa các quốc gia ngày càng lu mờ, logistics sẽ là một trong những khâu quan trọng cuối cùng để kết thúc giao dịch.

“Giao thuơng xuyên biên giới càng lớn thì cơ hội phát triển ngành logistics và chuỗi cung ứng càng nhiều”, ông nói.

Tiến sĩ Hiệp cho biết, ở cấp độ vi mô, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục cần hành động ngay lập tức nếu không sẽ đánh mất cơ hội.

“Các doanh nghiệp cần hiểu rằng logistics không đơn thuần là một dịch vụ riêng lẻ, mà là dịch vụ cộng thêm giúp tăng giá trị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của họ. Tạo dựng doanh nghiệp khởi nghiệp thì nhanh chóng và dễ dàng, tuy nhiên, làm thế nào để giữ cho giao thương suôn sẻ, doanh nghiệp cần chuỗi cung ứng hiệu quả. Ngày càng nhiều tập đoàn toàn cầu thâu tóm doanh nghiệp trong nước vì những đơn vị này đã có sẵn chuỗi cung ứng được gầy dựng trong nhiều năm, chứ không chỉ vì tên tuổi của họ”.

Tiến sĩ Hiệp cũng nhấn mạnh rằng quản lý logistics và chuỗi cung ứng thì phức tạp, chứ không đơn thuần là dịch vụ giao nhận. “Hoạt động này cần hoạch định chiến lược, kết nối và ứng dụng công nghệ, tất cả những điều này cần có nền tảng vững mạnh và đào tạo bài bản”.

Nhằm đón đầu những thách thức kể trên cũng như cơ hội xây dựng lực lượng lao động cho ngành này, năm 2016, Đại học RMIT Việt Nam đã chính thức ra mắt bằng Cử nhân Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics

 

Phó giáo sư Robert McClelland, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, trả lời phỏng vấn VTV1 về vấn đề nguồn nhân lực trong ngành logistics bên lề sự kiện. Phó giáo sư Robert McClelland, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, trả lời phỏng vấn VTV1 về vấn đề nguồn nhân lực trong ngành logistics bên lề sự kiện.

Phó giáo sư McClelland cho biết cấu trúc chương trình đáp ứng được cả đòi hỏi về một chương tình được công nhận theo chuẩn quốc tế và thiết thực với Việt Nam.

“Tất cả các môn học của chương trình này đều được CILTA – Hiệp hội Công chứng về Logistics và Vận tải Úc chứng nhận về mặt chuyên môn. Đây là tổ chức chứng nhận về phát triển chương trình học ngành vận tải và logistics ở Úc”, ông chia sẻ.

“Bằng cấp được trao ở Việt Nam hoàn toàn giống với tấm bằng trao ở Úc”.

Phó giáo sư McClelland còn nêu bật mối quan hệ mật thiết của trường với doanh nghiệp trong ngành, trong đó có những tên tuổi lớn như Colgate-Palmolive, Damco, Decathlon, DKSH, DHL, Lazada, L’Oreal, Metro C&C, Nestle và Unilever. Nhờ đó, sinh viên RMIT Việt Nam có thể tiếp cận được với cố vấn là các chuyên gia trong ngành, diễn giả khách mời và cơ hội thực tập.

***

Diễn đàn được tổ chức tại Pan Pacific Hà Nội vào ngày 28/6, thu hút hơn 340 người tham dự đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trường đại học và tổ chức trong nước, cũng như phụ huynh và sinh viên RMIT.

Bài: Hoàng Hà

  • Quan hệ doanh nghiệp
  • Logistics

Tin tức liên quan