Các nhà nghiên cứu đánh giá doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Các nhà nghiên cứu đánh giá doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Các nhà nghiên cứu Đại học RMIT gần đây đã phân tích triển vọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ở Việt Nam và những thách thức của SMEs khi tham gia vào Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Thay mặt nhóm nghiên cứu từ Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế - Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung đã trình bày nghiên cứu Các yếu tố tác động đến việc tham gia Chuỗi giá trị toàn cầu: Thách thức và triển vọng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam tại hội thảo Kết nối ở châu Á: Thương mại, Vận tải, Logistics và Kinh doanh diễn ra tại cơ sở Nam Sài Gòn của trường.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế, trình bày nghiên cứu Các yếu tố tác động đến việc tham gia Chuỗi giá trị toàn cầu: Thách thức và triển vọng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế, trình bày nghiên cứu Các yếu tố tác động đến việc tham gia Chuỗi giá trị toàn cầu: Thách thức và triển vọng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Tiến sĩ Trung cho biết dù doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn việc kinh doanh trên thế giới và đóng vai trò vô cùng to lớn trong phát triển kinh tế quốc gia - đại diện hơn 95 phần trăm doanh nghiệp tư nhân ở châu Á - ở nhiều nơi trên thế giới, họ vẫn còn kém phát triển và không thể “đường hoàng” tham gia vào Chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiến sĩ giải thích: “Chuỗi giá trị là tất cả các hoạt động cần có để đưa một sản phẩm hoặc dịch vụ từ ý tưởng, trải qua nhiều giai đoạn sản xuất trung gian để đưa đến tay người tiêu dùng cuối cùng, và cuối cùng được tiêu hủy sau khi sử dụng”.

“Chuỗi giá trị toàn cầu chỉ các chuỗi giá trị xuyên biên giới, bao gồm mạng lưới các quốc gia, khu vực và toàn cầu. Chuỗi giá trị toàn cầu thường do các công ty đa quốc gia bán sản phẩm cuối cùng kiểm soát. Các đơn vị này còn gọi là các công ty hàng đầu. Những công ty này được hỗ trợ bởi số ít các nhà cung cấp ưu tiên ở tốp đầu. Nhóm thuộc tốp đầu được nhóm tốp dưới hơn hỗ trợ và cứ vậy hình thành nên cấu trúc phân cấp các nhà cung cấp. Nhà cung cấp ở tốp càng thấp càng ít tạo ra giá trị và dễ bị thay thế hơn”.

Ông Trung nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp nhỏ không chỉ đối mặt với thách thức tham gia vào chuỗi giá trị mà còn phải “nâng hạng” trong thang giá trị.

“Trong nghiên cứu này, chúng tôi xem xét các yếu tố để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào Chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như cách để các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể tham gia tốt hơn”, ông nói.

Tiến sĩ Trung bổ sung thêm rằng dù thành công trong thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu từ trực tiếp nước ngoài, Việt Nam vẫn thất bại trong việc đảm bảo dòng đầu tư có thể bắt rễ và kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước.

Ông nói: “Không tận dụng được hiệu ứng lan tỏa có lợi từ các công ty đa quốc gia có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam về lâu dài”.

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra ba chủ thể chính (doanh nghiệp trong nước, chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài) và bốn nhóm yếu tố để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào Chuỗi giá trị toàn cầu, gồm có các yếu tố liên quan đến doanh nghiệp, cơ chế, môi trường kinh doanh và chiến lược của các công ty lớn, đồng thời đánh giá những yếu tố này với trường hợp Việt Nam.

Tiến sĩ cho biết: “Đối với doanh nghiệp trong nước, các yếu tố quan trọng gồm năng lực của chủ doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn và năng lực sáng tạo”. Năng lực sáng tạo của Việt Nam khá tốt.

Theo Chỉ số Sáng tạo toàn cầu năm 2017, Việt Nam lọt vào vị trí đầu trong nhóm 50 doanh nghiệp thu nhập vừa và thấp hàng đầu. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp hạng ba, sau Singapore và Malaysia, nhờ điểm số tốt nhất trong ngân sách cho giáo dục và thể hiện tốt trong sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, tích lũy vốn đầu tư và FDI ròng”, ông chỉ rõ.

Về năng lực kinh doanh, Tiến sĩ Trung cho biết: “Nhìn chung, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được đào tạo tốt hơn nhưng vẫn thiếu kinh nghiệm chuyên môn. Và dù còn những khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ở Việt Nam, chính phủ dường như đã thấy được các thách thức và đang tìm giải pháp cho tình trạng này”.

“Về mặt chính phủ, chính sách thương mại và hạ tầng logistics được xem là yếu tố quan trọng đóng góp vào việc doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào Chuỗi giá trị toàn cầu. Dù có tiềm năng rất lớn, cả doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn chính phủ cần vượt qua một số thách thức để nâng cao việc tham gia vào Chuỗi giá trị toàn cầu của những doanh nghiệp này”, ông bổ sung thêm.

Nhóm nghiên cứu: (từ trái sang) thầy Irfan Ulhaq, Phó giáo sư Robert McClelland (Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị), Tiến sĩ Phạm Công Hiệp (Chủ nhiệm bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics), Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung (Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế) và Đặng Thanh Vũ (Nhân viên hỗ trợ học thuật). Nhóm nghiên cứu: (từ trái sang) thầy Irfan Ulhaq, Phó giáo sư Robert McClelland (Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị), Tiến sĩ Phạm Công Hiệp (Chủ nhiệm bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics), Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung (Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế) và Đặng Thanh Vũ (Nhân viên hỗ trợ học thuật).

Các thành viên khác của nhóm nghiên cứu gồm Tiến sĩ Phạm Công Hiệp (Chủ nhiệm bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics), Phó giáo sư Robert McClelland (Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị), thầy Irfan Ulhaq và Đặng Thanh Vũ (Trợ lý nghiên cứu).

Bài: Hoàng Hà

  • Quan hệ doanh nghiệp
  • Logistics

Tin tức liên quan