Người tiêu dùng có sẵn lòng ủng hộ bao bì xanh?

Người tiêu dùng có sẵn lòng ủng hộ bao bì xanh?

Cô Nguyễn Anh Thư, Giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, cho biết tác động tiêu cực đến môi trường của bao bì, đặc biệt bao bì nhựa, là mối quan tâm về môi trường hàng đầu tại Việt Nam.

Cô Nguyễn Anh Thư, giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, nghiên cứu về khuynh hướng mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng. Cô Nguyễn Anh Thư, giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, nghiên cứu về khuynh hướng mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng.

“Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, khoảng 120 tấn bao bì các loại, ước tính 60 phần trăm trong đó là bao bì nhựa, được sử dụng hàng ngày ở TP. Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam”, cô Anh Thư giải thích. “Do nhựa lâu phân hủy hơn nên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường Việt Nam”.

Theo báo cáo gần đây của tổ chức quốc tế bảo vệ đại dương và biển Ocean Conservancy, Việt Nam là một trong năm nước đứng đầu thế giới thải nhiều bao bì nhựa ra biển nhất. Lượng rác thải nhựa do Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam thải ra biển chiếm 60 phần trăm lượng rác thải nhựa trên toàn cầu.

Cô Anh Thư chia sẻ: “Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ tử vong hàng năm có nguyên nhân từ ô nhiễm môi trường trên thế giới nhiều hơn từ chiến tranh và bạo lực, với 92 phần trăm cái chết có nguyên nhân từ ô nhiễm môi trường diễn ra ở các nước đang phát triển”.

“Đẩy mạnh hành vi tiêu dùng hướng đến bảo vệ môi trường nên được các quốc gia ưu tiên đưa vào chính sách của mình, đặc biệt ở những nước đang phát triển nơi bền vững về môi trường thường không được ưu tiên do nhu cầu phát triển kinh tế ngắn hạn. Trong các hành vi bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh là yếu tố quan trọng vì cách người tiêu dùng lựa chọn mua và sử dụng sản phẩm/dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến môi trường”.

Trong luận văn tiến sĩ của mình, cô Anh Thư tìm hiểu về những yếu tố ảnh hưởng đến việc mua sản phẩm xanh của khách hàng.

Cô giải thích: “Tôi nghiên cứu ý định mua sản phẩm xanh của khách hàng, đặc biệt liên quan đến sản phẩm thực phẩm có bao bì thân thiện với môi trường. Nghiên cứu của tôi tập trung vào thực phẩm đóng gói, đặc biệt là mì ăn liền đóng gói, ở thị trường đang phát triển. Do luôn có khoảng cách giữa ý định và hành động thực sự, nên sẽ hữu ích khi tập trung tìm hiểu mối liên hệ đặc biệt giữa ý định mua sản phẩm và việc khách hàng sẵn lòng mở hầu bao mua bao bì thân thiện với môi trường”.

Cô Anh Thư tin rằng khả năng người dùng mua sản phẩm xanh cao hơn nếu họ tự xem mình là người bảo vệ môi trường hay là người tích cực trong các vấn đề liên quan đến môi trường.

“Người tiêu dùng ở Việt Nam xem bao bì tự hủy cũng như bao bì làm bằng giấy là sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho bao bì nhựa, và họ sẵn lòng trả hơn giá bình quân trên thị trường để mua sản phẩm được đóng gói bằng dạng bao bì thân thiện này”, cô Anh Thư nói. “Việc gia tăng các sản phẩm thay thế trên thị trường có thể tạo thêm cơ hội để khách hàng biến ý định mua sản phẩm xanh thành hành động thực sự”.

Điều này không chỉ tốt với doanh nghiệp xanh mà còn cho môi trường.

Cô Anh Thư, hiện là giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, vừa thắng cuộc thi Trình bày luận văn nghiên cứu trong ba phút do trường tổ chức lần đầu tiên. Trong cuộc thi, cô đã tóm lượt luận văn tiến sĩ nghiên cứu về định hướng người tiêu dùng liên quan đến bao bì thân thiện với môi trường.

Bài: Hoàng Hà

  • Nghiên cứu
  • Phát triển bền vững

Tin tức liên quan