Nâng cao sức khỏe tâm thần trong trường học

Nâng cao sức khỏe tâm thần trong trường học

Cung cấp dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần nhằm giúp đỡ sinh viên vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống là điều cần thiết với trường học ở tất cả các cấp.

Nguyên nhân và hệ quả của các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng 25 phần trăm các bạn trẻ Việt Nam đang sống chung với những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, và tỉ lệ lo âu cũng như trầm cảm trong nhóm này đang gia tăng.

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng lo âu và trầm cảm là bị cô lập, lạm dụng về mặt cảm xúc và căng thẳng trong học tập.

Trình bày tại Hội thảo Phát triển Mô hình Tham vấn Học đường ở Trường Phổ thông do Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức, Chuyên viên Tham vấn tâm lý từ Đại học RMIT Việt Nam bà Lê Thị Minh Tâm cho biết nhiều sinh viên không nhận ra rằng họ có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không nhờ giúp đỡ.

Với 16 năm kinh nghiệp trong lĩnh vực tham vấn sức tâm lý, bà Tâm chia sẻ: “Thêm vào đó, sinh viên cảm thấy xấu hổ khi nói chuyện với chuyên viên tham vấn tâm lý, đặc biệt khi các em sống xa gia đình. Nhiều căng thẳng vào cùng một thời điểm có thể tăng nguy cơ trầm cảm và các vấn đề sức khoẻ tâm thần. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần càng kéo dài thì mức độ tổn hại càng lớn”.

Bà Tâm bổ sung thêm rằng các vấn đề này có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Bà phân tích: “Các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đến sự tập trung, trí nhớ, khả năng đưa ra quyết định và động lực. Sinh viên có sức khỏe tâm thần kém thường dễ bỏ học hơn”.

Bà Lê Thị Minh Tâm (phải) tặng sách Tiếp cận trị liệu nhận thức hành vi về tham vấn tâm lý và hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Bà Lê Thị Minh Tâm (phải) tặng sách Tiếp cận trị liệu nhận thức hành vi về tham vấn tâm lý và hỗ trợ sức khỏe tâm thần.
Bà Lê Thị Minh Tâm tham dự hội nghị quốc tế về sức khỏe tâm thần tại Melbourne (Úc). Bà Lê Thị Minh Tâm tham dự hội nghị quốc tế về sức khỏe tâm thần tại Melbourne (Úc).

Phát hiện sớm là chìa khóa giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần

Nâng cao nhận thức và sớm nhận biết các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực của các vấn đề này với sinh viên.

Đại học RMIT Việt Nam đã khởi xướng việc sàng lọc sức khoẻ tâm thần của sinh viên sống trong ký túc xá. Đây là một phần trong chiến lược của trường nhằm chủ động kiểm soát vấn đề sức khỏe tâm thần của sinh viên. Nghiên cứu cho thấy sinh viên quốc tế (và sinh viên sống xa gia đình) là nhóm đặc biệt có nguy cơ cao trải qua những khó khăn về tâm lý. Bằng cách tầm soát, trường có thể đưa ra các chiến lược can thiệp sớm và phòng ngừa để việc học tập và sức khỏe lâu dài của sinh viên ít bị ảnh hưởng.

Bà Lê Thị Minh Tâm hướng dẫn một hội thảo về kỹ năng sống cho sinh viên. Bà Lê Thị Minh Tâm hướng dẫn một hội thảo về kỹ năng sống cho sinh viên.

Phòng Tham vấn tâm lý RMIT Việt Nam đã cung cấp dịch vụ tham vấn tâm lý chất lượng cao cho sinh viên từ năm 2008.

Ngoài dịch vụ tham vấn cá nhân, phòng Tham vấn tâm lý cũng tổ chức các hội thảo về kỹ năng sống và tổ chức Ngày hội Chăm sóc sức khỏe thường niên để nâng cao nhận thức và tạo tác động tích cực lên sức khỏe sinh viên.

***

Ngày 18/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra công văn yêu cầu các trường tiểu học và trung học, và các tổ chức giáo dục có liên quan thành lập tổ tham vấn tâm lý cho học sinh - sinh viên. Định hướng của công tác này là nhằm giúp sinh viên giải quyết các khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, đồng thời nâng cao kỹ năng sống cho các em.

Bài: Lê Mộng Thúy

  • Chăm sóc Sức khỏe & Tâm lý
  • Cộng đồng
15/03/2018

Chia sẻ

Tin tức liên quan