Giảng viên RMIT khảo sát về tranh luận liên quan đến thương mại và môi trường

Giảng viên RMIT khảo sát về tranh luận liên quan đến thương mại và môi trường

Giảng viên Đại học RMIT Việt Nam Tiến sĩ Lê Thái Hà là trưởng nhóm nghiên cứu đề tài Mở cửa thương mại và Chất lượng môi trường: Bằng chứng quốc tế, được công bố gần đây trên Energy Policy - tạp chí học thuật hàng đầu trong lĩnh vực khoa học môi trường và kinh tế năng lượng.

Khảo sát mối quan hệ giữa mở cửa thương mại (chỉ việc quốc gia sẵn lòng trao đổi thương mại xuyên biên giới) và chất lượng môi trường cũng như hoạt động liên quan đến môi trường ở 98 quốc gia, nghiên cứu của nhóm bà đã phát hiện ra rằng đẩy mạnh giao thương thực sự ảnh hưởng đến môi trường, nhưng mức độ tác động khác nhau giữa các nước giàu và các nước có thu nhập từ trung bình đến thấp.

Tiến sĩ Hà dùng những vấn đề môi trường nghiêm trọng của Trung Quốc - hậu quả trực tiếp từ việc gần đây nước này hội nhập mạnh mẽ vào hệ thống giao dịch thương mại toàn cầu - làm ví dụ minh chứng về việc cần thiết phải thực hiện loại nghiên cứu này.

Tiến sĩ Hà, hiện đang dạy các môn kinh tế tại Khoa Thương mại và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết: “Tôi nghĩ vấn đề này ngày càng quan trọng trong chính sách giao thương, đặc biệt trong bối cảnh ở những thị trường mới nổi như Việt Nam”.

Tiến sĩ Lê Thái Hà đã công bố bài nghiên cứu với chủ đề Mở cửa thương mại và Chất lượng môi trường: Bằng chứng quốc tế. Tiến sĩ Lê Thái Hà đã công bố bài nghiên cứu với chủ đề Mở cửa thương mại và Chất lượng môi trường: Bằng chứng quốc tế.

Nói về hệ quả khi Việt Nam tiếp tục phát triển, Tiến sĩ tiếp lời: “Chúng ta biết rằng khi hội nhập vào kinh tế toàn cầu và khu vực, Việt Nam sẽ được lợi rất lớn, tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng đất nước sẽ vướng phải những vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải đặc biệt chú ý. Những vấn đề này gồm khoảng cách giàu nghèo, đô thị hóa quá độ, hủy hoại môi trường và ô nhiễm trên diện rộng”.

Đưa ra ví dụ về áp lực mà quốc gia phải gánh chịu do những hoạt động kinh tế gia tăng gần đây, bà đã dẫn chứng số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam: mỗi ngày cả nước thải ra hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt và bảy triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, tất cả đều thải ra môi trường.

Tiến sĩ Hà cho biết thay vì quay về với lối suy nghĩ rằng các nước giàu “đẩy” vấn đề ô nhiễm môi trường ra khỏi đất nước họ bằng việc thuê gia công từ các nước đang phát triển khác, thách thức ở đây là xác định những thiếu sót trong hệ thống. Bà cho biết ở cấp độ quốc gia, những thiếu sót này chính là thói quen thiếu ý thức, không sẵn lòng nhận trách nhiệm và quản lý thiếu hiệu quả.

“Hiện đã đến lúc phải thay đổi tư duy phát triển để hướng đến đẩy mạnh phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nhằm chấm dứt tình trạng hy sinh môi trường vì lợi ích trước mắt,” bà nói.

Điều đó, Tiến sĩ Hà giải thích, không có nghĩa rằng ở Việt Nam, chúng ta thiếu ý chí chính trị để chấn chỉnh lại cái gọi là vấn đề toàn cầu này. Tại Hội thảo Bảo vệ môi trường trực tuyến gần đây với 63 tỉnh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra chỉ đạo mạnh mẽ rằng đất nước sẽ tiến đến mô hình phát triển kinh tế bền vững hơn, và theo Tiến sĩ Hà đây là tín hiệu đáng mừng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Môi trường không thể bị phá hủy chỉ vì phát triển kinh tế xã hội. Với tinh thần đó, chúng ta sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá và sẽ chú ý đến tiêu chí môi trường khi lựa chọn những dự án đầu tư”.

Tìm hiểu thêm về kết cấu thực nghiệm, dữ liệu và thảo luận trong bài nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Thái Hà theo đường dẫn này.

Jon Aspin

  • Quan hệ doanh nghiệp
  • Nghiên cứu
  • Phát triển bền vững

Tin tức liên quan