Sinh viên RMIT Việt Nam tranh tài tại cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu

Sinh viên RMIT Việt Nam tranh tài tại cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu

Bốn sinh viên Đại học RMIT Việt Nam sẽ tham dự vòng khu vực cuộc thi Hult Prize tại Thượng Hải vào ngày 3 và 4/3/2017.

Sinh viên Khoa Thương mại và Quản trị Lã Thủy Tiên, Đặng Nguyễn Như Quỳnh và Trương Quỳnh Anh cùng sinh viên ngành Thời trang Đặng Kim Thiên Hương sẽ có cơ hội thắng giải chung cuộc hỗ trợ phát triển dự án trị giá hơn 22 tỉ đồng (tương đương một triệu đô la Mỹ) cùng sự cố vấn và lời khuyên từ cộng đồng kinh doanh quốc tế.

Cuộc thi khuyến khích những bộ óc kinh doanh thông minh nhất thế giới tập hợp theo đội cùng dự thi nhằm giải quyết thách thức lớn nhất trên thế giới bằng cách áp dụng những suy nghĩ cấp tiến để tạo ra các doanh nghiệp xã hội bền vững và có ý nghĩa.

Đội RMIT Việt Nam với tên gọi SayQHAT sẽ có cơ hội gặp gỡ những chuyên gia quốc tế hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và tranh tài với các đội khác trong khu vực đến từ Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc.

(Từ phải sang) Sinh viên RMIT Việt Nam Lã Thủy Tiên, Trương Quỳnh Anh, Đặng Nguyễn Như Quỳnh và Đặng Kim Thiên Hương tại Vòng Chung kết quốc gia Hult Prize 2017. (Từ phải sang) Sinh viên RMIT Việt Nam Lã Thủy Tiên, Trương Quỳnh Anh, Đặng Nguyễn Như Quỳnh và Đặng Kim Thiên Hương tại Vòng Chung kết quốc gia Hult Prize 2017.

Đội SayQHAT đã giành giải Nhì vòng chung kết quốc gia cuộc thi Hult Prize tại Việt Nam và nhận được khoản tài trợ trị giá 2/3 kinh phí tham dự vòng thi khu vực tại Thượng Hải.

Chủ đề cuộc thi Hult Pize “Thử thách của Tổng thống” năm nay là “Người tị nạn – Tái đánh thức tiềm năng con người”.

Thành viên của đội RMIT Việt Nam Đặng Nguyễn Như Quỳnh cho biết ý tưởng của nhóm là Chomp - dịch vụ đặt mua thức ăn đa dạng của nhiều nền văn hóa khác nhau - nhằm tạo cơ hội cho người tị nạn khởi đầu một công việc có ý nghĩa, đồng thời giúp người đặt mua thức ăn bằng dịch vụ này hiểu về hoàn cảnh cùng quẫn của những người tị nạn.

Quỳnh giải thích: “Lý do chủ yếu khiến chúng tôi chọn phương án này vì dự án có tiềm năng tạo ảnh hưởng cực kỳ lớn đến cộng đồng cũng như khả năng lan toả rộng khắp”.

Một trong những thách thức với cả nhóm là tích luỹ lượng lớn kiến thức tài chính mới.

Bạn Trương Quỳnh Anh chia sẻ: “Chúng tôi phải bổ sung kiến thức, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, cũng như phải nhờ giảng viên và các cố vấn tư vấn”.

Trong khi đó, bạn Lã Thủy Tiên nhấn mạnh rằng kỹ năng lên kế hoạch, làm việc nhóm, thuyết trình và giao tiếp học được tại RMIT Việt Nam là hành trang giúp cả nhóm tự tin bước vào cuộc thi sắp đến.

Tiên chia sẻ: “Cuộc thi sẽ là cơ hội cho cả nhóm áp dụng kiến thức và kinh nghiệm học được tại RMIT, học hỏi từ các đội quốc tế khác, tìm hiểu về khác biệt văn hóa, đồng thời được thấy một phần khác của thế giới”.

Lê Mộng Thúy

  • Bệ phóng khởi nghiệp
  • Quốc tế
  • Sự kiện

Tin tức liên quan