Mang thương hiệu cà phê gia đình ra trường quốc tế

Mang thương hiệu cà phê gia đình ra trường quốc tế

Với lòng quyết tâm xây dựng doanh nghiệp gia đình và vốn kiến thức có được từ chương trình MIB, Hồ Thanh Thủy đã kiến tạo những đột phá chiến lược và thành công nâng tầm sản phẩm cà phê của mình lên tiêu chuẩn quốc tế.

"Tôi hi vọng một ngày nào đó có thể mang cà phê do mình chế biến đến với thị trường quốc tế.”, Hồ Thanh Thủy chia sẻ khi nhìn lại thực tế đa phần cà phê Việt Nam đều được xuất khẩu thô hoặc chỉ qua sơ chế. Hiện Thủy đang là Managing Director tại Phát Thành, doanh nghiệp đã trải qua hành trình 30 năm phát triển của gia đình. Với Thủy, xuất khẩu là mục tiêu tiếp theo và sẽ còn một chặng dài chờ đợi nhiều nỗ lực phía trước.

Phát Thành vốn dĩ bắt đầu và phát triển tại khu vực Tây Nam Bộ với nhà máy rang xay ở Đồng Tháp. Năm 2017, Thủy chính thức thành lập Công ty Cà phê Phát Thành tại TP.HCM để đặt nền móng mở rộng và phát triển thị trường Đông Nam Bộ. Một năm sau đó, năm 2018, Thủy theo học Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế tại RMIT.

Với nền tảng kiến thức có sẵn về kinh tế đối ngoại từ bậc Đại học, việc lựa chọn Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế được xem như hành trình nối dài để Thủy bổ trợ cho quá trình xây dựng và mở rộng doanh nghiệp của mình. Song song với việc hoàn thành tấm bằng Thạc sĩ, Thủy cũng đã nhanh chóng nâng cấp cơ sở sản xuất để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các ý tưởng về thị trường quốc tế rộng mở cho cà phê Phát Thành cũng bắt đầu từ đó.

“Tôi rất biết ơn những kiến thức mình đã học được từ chương trình vào đúng thời điểm mình cần để từng bước xây dựng và mở rộng Phát Thành tại TP.HCM. Tôi được học rất nhiều về kinh doanh quốc tế, phát triển bền vững, chuỗi cung ứng, vốn đều là những kiến thức có thể ứng dụng thực tế. Tôi đặc biệt nhớ chuyến tham quan học tập tại Singapore, chúng tôi được tham quan các doanh nghiệp, chủ động quan sát và học tập từ họ để áp dụng cho chính mình.”

Ngay sau khi hoàn thành chương trình, năm 2020, Thủy đã bắt tay xây dựng website bán hàng trực tuyến cho cà phê Phát Thành và linh hoạt thích ứng trong giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh. Hiện tại, Phát Thành đã có 2 cửa hàng, 1 website bán hàng trực tuyến cũng như khả năng cung cấp thông qua các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là khởi đầu.

“Nhờ quá trình học Thạc sĩ tại RMIT, tôi tự tin hơn với vốn kiến thức cùng kỹ năng tiếng Anh thăng bậc để bắt đầu tiếp cận các khách hàng quốc tế.”, Thủy chia sẻ. Phát Thành đã gia nhập Tổ chức Cà phê Bền vững thế giới, mỗi năm đều có đại diện tại các gian hàng quốc tế. Với Thủy, đây là những cửa ngõ quan trọng để một ngày nào đó, cà phê Phát Thành sẽ chinh phục những người tiêu dùng khó tính ngoài biên giới Việt Nam.

Chia sẻ

Tin tức liên quan