Giải pháp trí tuệ nhân tạo trong quản lý tài chính cá nhân

Giải pháp trí tuệ nhân tạo trong quản lý tài chính cá nhân

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang đem lại những ảnh hưởng to lớn đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng theo dõi câu chuyện startup của Vỹ Nguyễn, học viên nhận học bổng Thạc sĩ Trí tuệ Nhân tạo, với ý tưởng ứng dụng AI trong công nghệ tài chính.

Khi làm việc tại Microsoft trong vị trí Partner Technology Strategist, Vỹ Nguyễn tham gia tư vấn cho khách hàng về lộ trình phát triển công nghệ tương lai “Tôi có cơ hội làm việc với các tập đoàn lớn, ngân hàng và công ty công nghệ ở khu vực SEA, tất cả đều xem AI là một trọng tâm phát triển trong chiến lược tương lai của họ.” Và giờ đây, Vỹ đang là một trong những học viên đầu tiên của chương trình Thạc sĩ Trí tuệ Nhân tạo tại RMIT.

Sau khi rời Microsoft, Vỹ quyết định tập trung sử dụng công nghệ AI làm nền tảng cho ý tưởng kinh doanh mà anh cùng một người bạn tham gia đồng sáng lập. Doanh nghiệp mang tên Hello Clever, một hệ sinh thái Thanh toán toàn cầu, Quản lý tiền, Chi tiêu và Tiết kiệm phát triển ở thị trường Úc và APAC. “Ở Úc có một sáng kiến gọi là ‘Open Banking’. Chẳng hạn nếu bạn có tài khoản tại ngân hàng ANZ và NAB, hai tài khoản này không liên kết với nhau bởi hai tổ chức không có sự trao đổi thông tin với nhau. Open Banking cho phép các ngân hàng trao đổi dữ liệu. Điều này nghe qua có vẻ đáng ngờ, nhưng khổng hẳn thế. Sáng kiến này đòi hỏi các bên tham gia phải được công nhận bởi ACCC và để được thông qua cần phải có sự đồng thuận minh bạch từ mỗi khách hàng. Lợi ích ở đây là khách hàng có được sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu đồng thời có thể đổi sản phẩm dịch và ngân hàng một cách dễ dàng.”

Vỹ nhận ra rằng tính thiếu kết nối không chỉ giữa ngân hàng với ngân hàng. Thậm chí vẫn có trường hợp thiếu thốn và sai lệch thông tin trong nội bộ một ngân hàng. “Ngân hàng là một thế giới đóng kín và trong đó còn nhiều hơn nữa những cánh cửa đóng chặt. Thông tin thường bị phân mảnh, nhưng nếu biết cách mở khóa và kết nối dữ liệu, chúng ta có thể thực hiện một cuộc cách mạng.”

Đó là khoảng trống mà Hello Clever đang mong muốn lấp đầy. Giải pháp này sử dụng cách tiếp cận nhiều mặt với sản phẩm dành cho khách hàng, người bán hàng, và bên xử lý thanh toán. “Ở góc độ khách hàng, chúng tôi có thể đưa ra những lời khuyên tài chính thực tiễn, không thiên vị bất kỳ định chế tài chính nào. Trải nghiệm mua hàng cũng được nâng cao dựa trên hành vi tài chính.” Bên cạnh đó, đối với người bán hàng và bên xử lý thanh toán “Lợi ích chính là hạn chế đơn hàng giả mạo và tiếp cận các tệp khách hàng cùng với điểm tín dụng. Nhờ có AI mà các đơn hàng giả mạo được nhận diện hiệu quả và chính xác hơn.”

Với sự tiến bộ chóng mặt của công nghệ AI, Vỹ cho rằng chúng ta cũng cần thận trọng với công cụ mình sử dụng. “Công nghệ AI, chẳng hạn như hệ thống tự lái hay chatbot thì thật là ấn tượng. Nhưng đừng quên rằng chúng đều là thành quả mà con người tạo ra. Chúng ta, những chuyên gia AI, cần phải hiểu rõ giới hạn của những công cụ này và nhớ rằng chúng ta đứng ở vị trí điều khiển.”

AI đã và sẽ tiếp tục kết nối nhiều phần tử dữ liệu và trở thành nền tảng cho nhiều bước tiến công nghệ trong tương lai. Nếu bạn muốn trở thành một chuyên gia AI với nền tảng kỹ năng chuẩn mực, đừng bỏ qua chương trình Thạc sĩ Trí tuệ Nhân tạo hiện đang giảng dạy tại RMIT

Chia sẻ

Tin tức liên quan