Cựu sinh viên tạo ứng dụng Sơ Cấp Cứu miễn phí cho người Việt

Cựu sinh viên tạo ứng dụng Sơ Cấp Cứu miễn phí cho người Việt

Hồ Thái Bình, Cử nhân Thương mại RMIT Việt Nam, đã tạo ra Sơ Cấp Cứu - ứng dụng điện thoại đầu tiên hướng dẫn sơ cấp cứu miễn phí cho người Việt.

Ứng dụng So Cap Cuu - First Aid SSVN Ứng dụng So Cap Cuu - First Aid SSVN

Mọi sự bắt đầu vào ba năm trước khi Bình tham gia khoá học sơ cấp cứu thuộc dự án Survival Skills (Kỹ năng sinh tồn) Việt Nam được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khoẻ cộng đồng (CCHS) - một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cơ bản và phát triển cộng đồng tại Việt Nam.

“Tham gia khoá học tôi mới nhận ra là bao lần có thể tôi đã không sống sót nếu mẹ tôi không phải là bác sĩ và không biết về sơ cấp cứu”, Bình nhớ lại những trải nghiệm tạo cảm hứng cho bạn thực hiện dự án.

“Ở Việt Nam, kỹ năng sơ cấp cứu và sinh tồn thiết yếu chưa được dạy trong chương trình học chính khóa. Nhiều nạn nhân không được giải cứu hay sơ cứu đúng cách trước khi đưa đến bệnh viện, khiến tỉ lệ tử vong ở Việt Nam rất cao, dẫn đến mất mát, đau thương và gánh nặng lớn cho gia đình cũng như toàn xã hội”, Bình nói.

Sau khoá học, Bình tìm kiếm ứng dụng về sơ cấp cứu trong kho ứng dụng trực tuyến và anh ngạc nhiên khi không thấy ứng dụng nào dành cho người Việt Nam. Anh lập tức nảy ra ý tưởng tạo ứng dụng sơ cấp cứu miễn phí, dễ truy cập bằng tiếng Việt.

Ông Tony Coffery, chuyên viên sơ cấp cứu với hơn 20 năm kinh nghiệm huấn luyện, đang thao diễn một kỹ năng sơ cấp cứu. Ông Coffery giữ vai trò tư vấn y khoa của Dự án Survival Skills Việt Nam. Ông Tony Coffery, chuyên viên sơ cấp cứu với hơn 20 năm kinh nghiệm huấn luyện, đang thao diễn một kỹ năng sơ cấp cứu. Ông Coffery giữ vai trò tư vấn y khoa của Dự án Survival Skills Việt Nam.

“Trong hơn ba năm qua, Dự án Survival Skills Việt Nam đã tập huấn được cho 12 ngàn người từ các trường học, cộng đồng và doanh nghiệp ở Việt Nam. Và với ứng dụng này, chúng tôi sẽ có thể tiếp cập và hướng dẫn sơ cấp cứu cho nhiều người ở Việt Nam hơn”, Bình tự hào chia sẻ.

Anh đã tham gia nhóm quản lý dự án với tư cách là người sáng lập kiêm điều phối viên dự án tạo ứng dụng điện thoại. Với kiến thức lập trình tự học, anh đã tạo nên bản thử đầu tiên của ứng dụng. Khi dự án phát triển, Bình không chỉ điều phối phát triển ứng dụng mà còn kêu gọi nguồn vốn từ cộng đồng và quảng bá cho ứng dụng.

Vượt qua rào cản địa lý, bốn thành viên chủ chốt từ Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Sydney và Thuỵ Sĩ đã cùng phấn đấu cho mục tiêu chung.

Hồ Thái Bình (bìa trái) và ba thành viên chủ chốt còn lại của ứng dụng Sơ Cấp Cứu tự hào giới thiệu ứng dụng di động này. Hồ Thái Bình (bìa trái) và ba thành viên chủ chốt còn lại của ứng dụng Sơ Cấp Cứu tự hào giới thiệu ứng dụng di động này.

Ứng dụng di động So Cap Cuu - First Aid SSVN ra mắt vào tháng 9/2017.

Qua chỉ dẫn từng bước với hình ảnh minh hoạ, người dùng ứng dụng có thể tự giúp bản thân mình và người khác đang trong tình huống nguy hiểm như: chảy máu, hóc thức ăn, ngộ độc, gãy xương, đột qụy, co giật, v.v. cho đến lúc được người có chuyên môn y tế hỗ trợ.

Sau thời gian ngắn, đã có khoảng 1000 lượt tải trên cả hai kho ứng dụng Android và iOS, và được người dùng đánh giá cao, đặc biệt là các bậc phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của ứng dụng này với an toàn của gia đình họ.

Bình bổ sung thêm: “Hiện chúng tôi đang tiếp tục sửa lỗi kỹ thuật và nâng cao trải nghiệm người dùng với hướng dẫn bằng giọng nói và video. Bản mới nhất cũng sẽ có thêm nhiều chức năng cho trường hợp nguy cấp như kích hoạt báo động nguy hiểm, danh sách liên lạc khẩn cấp, hồ sơ y khoa, v.v.”.

Bình hiện đang làm việc trong ngành tài chính, đồng thời là Chủ tịch Hội cựu du học sinh tại Vũng Tàu.

Bài: Thanh Phương

  • Kỹ thuật số
  • Bệ phóng khởi nghiệp
  • Phát triển nghề nghiệp

Tin tức liên quan