Khám phá ra chứng khó đọc giúp thay đổi cuộc đời cựu sinh viên

Khám phá ra chứng khó đọc giúp thay đổi cuộc đời cựu sinh viên

Với cựu sinh viên Ksenia Nikolaeva, khóa tiếng Anh và cuộc trò chuyện với một giảng viên giàu lòng trắc ẩn tại RMIT Việt Nam là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời cô.

Hiện là trợ giảng kỹ thuật tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Boston, Hoa Kỳ, Ksenia lớn lên tại Kazakhstan và Nga nơi mà những bài kiểm tra về khó khăn trong học tập chưa được biết tới.

Ksenia cho biết: “Đọc và hiểu chữ là hành trình dài vô tận với tôi. Thỉnh thoảng chữ sẽ biến mất hoặc tôi sẽ thấy từ khác thay vì những từ thực sự hiện hữu trên trang giấy”.

Cựu sinh viên RMIT Việt Nam Ksenia Nikolaeva hiện làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Boston, Hoa Kỳ. Cựu sinh viên RMIT Việt Nam Ksenia Nikolaeva hiện làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Boston, Hoa Kỳ.

Ksenia chia sẻ rằng mọi người thường nghĩ cô ngốc nghếch: “Tôi đã nghĩ mình thật là ngu ngốc. Giáo viên của tôi cũng nghĩ tôi ngu dốt”.

Nhưng Ksenia đương đầu và kiên trì đối mặt với khó khăn cũng như những điều tiêu cực - một hành trình dài theo cô đến khi trưởng thành.

Không thể đọc hay viết, cô tập trung vào môn toán: “Trí nhớ của tôi rất tệ nhưng tôi có thể hiểu những thứ logic”.

Cô xây dựng phương pháp học của riêng mình và giành được học bổng của Đại học Nông nghiệp Nga, nơi cô thỏa mãn ước mơ thời thơ ấu – học sinh vật học.

Cô hồi tưởng lại: “Một trong những giáo sư nói tôi không thuộc về nơi này. Tôi có nền tảng về toán nhưng tôi không biết những điều cơ bản về sinh vật học. Tôi chật vật nhớ tên các tế bào sinh vật nên bà khuyên tôi từ bỏ”.

Một lần nữa Ksenia thích ứng bằng thói quen học của mình - hình dung trong đầu những thước phim về quy trình sinh vật học thay vì ghi nhớ dữ liệu. Cô đã hoàn thành khóa học và đến RMIT Việt Nam học tiếng Anh học thuật để cải thiện điểm số IELTS trước khi theo đuổi bằng thạc sĩ ở châu Âu.

Tại RMIT Việt Nam, lần đầu tiên, Ksenia chia sẻ khó khăn của cô với cô Carol Witney: “Cô Carol là người đầu tiên tôi thực sự chia sẻ về vấn đề của mình. Tôi tin tưởng cô ấy”.

Cô Carol Witney, hiện là Điều phối viên Bộ phận Bình đẳng giáo dục và Hỗ trợ người khuyết tật của Đại học RMIT Việt Nam, nhớ lại những quan sát về sai lệch giữa nói và nghe, cũng như kỹ năng đọc và viết của Ksenia.

Cô Carol nói: “Chúng tôi cùng ngồi xuống và tìm hiểu điều gì đang xảy ra với Ksenia. Chúng tôi cùng làm một bài kiểm tra trực tuyến và đọc tất cả tài liệu có thể tìm thấy liên quan đến chứng khó đọc. Ksenia có mọi triệu chứng được mô tả trong tài liệu trực tuyến và cuối cùng chúng tôi xây dựng hồ sơ về chứng khó đọc của cô – như sắp xếp các mảnh ghép trong một bức tranh”.

Việc nhận ra rằng mình mắc chứng khó đọc cho phép Ksenia dùng phương pháp đặc biệt để làm bài kiểm tra IELTS.

Ksenia giải thích: “Carol đề nghị tôi viền quanh chữ để chúng không biến mất. Tôi được cho thêm 20% thời gian để đọc và được phép làm bài viết trên máy tính. Sau khi áp dụng toàn bộ cách này vào làm bài thi, tôi được 9 điểm đọc. Không thể tin nổi phải không? Tôi có thể đạt được điều đó!”.

Năm nay, RMIT Việt Nam ra mắt chương trình RMIT Access, sáng kiến được áp dụng toàn trường nhằm đảm bảo tài liệu học được thể hiện theo cách mà mọi sinh viên đều có thể sử dụng được.

Cô Carol nói: “Mọi người đều có quyền học và học theo cách riêng của họ. Với điều chỉnh thích hợp trong lớp học và sắp xếp đánh giá hợp lý, tôi chứng kiến sinh viên đi từ rớt lên điểm xuất sắc trong học kỳ tiếp theo”.

Ksenia hiện đang hoàn thành luận văn Thạc sĩ ngành Sinh vật học số tại Đại học Manchester. Với cô, phát hiện ra chứng khó đọc đã thay đổi mọi thứ.

Cô nói: “Điều này thực sự thay đổi cuộc đời tôi 180 độ. Khi bạn có yếu điểm, bạn nghĩ bạn không giỏi bằng người khác. Nhưng đây không phải là yếu điểm mà là điều khác biệt, và trong nhiều trường hợp khác biệt chính là điểm mạnh”.

  • Ngôn ngữ

Tin tức liên quan