Nhìn nhận lại thương mại - đầu tư giữa căng thẳng địa chính trị

Nhìn nhận lại thương mại - đầu tư giữa căng thẳng địa chính trị

Theo giảng viên Đại học RMIT Tiến sĩ Daniel Borer, căng thẳng địa chính trị đang định hình lại thương mại toàn cầu và khiến các quốc gia phải thay đổi chiến lược, đẩy mạnh hợp tác khu vực và liên kết với các đối tác thân thiết nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế.

Quá trình mở rộng toàn cầu hóa vô cùng ấn tượng trong nửa sau thế kỷ 20 phải đột ngột dừng lại do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thế giới chưa phục hồi sau cú sốc này được bao lâu thì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lại bùng nổ, một lần nữa tạo ra vết nứt trong bức tranh thương mại toàn cầu.

Dần dần, các quốc gia đã tìm được cách sắp xếp hoạt động thương mại xung quanh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Các bên thứ ba như Việt Nam, nơi phần lớn chuỗi sản xuất từ Trung Quốc dịch chuyển sang, được hưởng lợi nhờ việc sắp xếp này. Thương mại vừa khởi sắc trở lại thì đại dịch COVID-19 ập đến, khiến nhiều chuỗi cung ứng bị tê liệt.

Thế giới dần phục hồi sau đại dịch cho đến tháng 2/2022 khi Nga quyết định đưa quân vào Ukraine, thương mại toàn cầu một lần nữa bị gián đoạn mạnh mẽ. Cuộc xung đột địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông với tâm điểm là chiến tranh Hamas-Israel đang khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Toàn cảnh một cảng container từ trên cao Căng thẳng địa chính trị đang định hình lại thương mại toàn cầu. (Hình: Pexels)

Trong giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá trị thương mại tính theo phần trăm GDP toàn cầu từng đạt kỷ lục vào năm 2007, khi 61% sản lượng hàng hóa toàn cầu được giao dịch quốc tế. Mặc dù có nhiều ý kiến tuyên bố hùng hồn rằng toàn cầu hóa đã trở thành quá khứ, một điều không tưởng đã xảy ra -- thương mại quốc tế đã hồi sinh. Dữ liệu mới nhất từ năm 2022 cho thấy thương mại tính theo phần trăm GDP toàn cầu đã phục hồi ấn tượng từ 52% năm 2020 lên 63% năm 2022, đạt mức cao kỷ lục mới.

Phải công nhận rằng đã có sự thay đổi trong tư duy khi thương mại hiện nay đã trở nên ít toàn cầu và mang tính khu vực hơn. Tuy nhiên, các quốc gia dường như đã nhanh chóng thích nghi với chiến lược mới này. Đặc biệt ở châu Á, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào năm 2020 đã tạo ra khối thương mại lớn nhất từ trước đến giờ với thành viên gồm khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với sự tham gia của các nước châu Á-Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam và đáng chú ý là cả Vương quốc Anh, cũng đang thúc đẩy thương mại khu vực.

Cùng với xu hướng “near-shoring”, các tập đoàn đa quốc gia đang chuyển dịch cơ sở sản xuất đến gần khách hàng hơn và hướng tới sản xuất trong nước. Ngoài ra, khi các khối phía Tây và Đông bắt đầu xuất hiện trở lại, thương mại ngày càng hướng tới các đối tác chính trị, dẫn đến hình thành khái niệm “friend-shoring” – sản xuất tại các quốc gia bằng hữu.

Với kịch bản địa chính trị hiện nay, Việt Nam nên tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác thân thiện và có vị trí gần hơn như Australia và New Zealand, những quốc gia có tiềm năng thương mại lớn với Việt Nam nhưng chưa được khai thác nhiều.

Ngoài ra, việc buôn bán nguyên liệu thô, đặc biệt là đất hiếm, cũng cần được quản lý. Đất hiếm là nguyên liệu cần thiết để chế tạo tua-bin gió, xe điện, thiết bị y tế, các loại màn hình, cùng nhiều sản phẩm khác. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên toàn cầu với 22 triệu tấn, sau Trung Quốc với 44 triệu tấn và trước Nga và Brazil (cả hai đều có 21 triệu tấn).

Đất hiếm là tài nguyên chiến lược quan trọng cho cuộc cách mạng xanh trong tương lai và Việt Nam hiện là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này trên toàn cầu. Hàn Quốc, với mong muốn có được một phần tài nguyên đất hiếm của Việt Nam, đang lên kế hoạch khai thác đất hiếm tại đây. Mặc dù sáng kiến này đáng được hoan nghênh nhưng nó đặt ra câu hỏi là nguồn lực chiến lược này có thể mang lại lợi ích như thế nào cho vị thế toàn cầu và sức mạnh kinh tế của Việt Nam.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với các nước trong khu vực đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về FDI. Thoạt nhìn thì đây là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, cần phải tạo ra một môi trường kinh tế không chỉ dựa vào lao động giá rẻ để thu hút FDI. Các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà chính phủ đã khởi xướng sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam với tư cách một quốc gia chủ chốt trên toàn cầu. Ngoài ra, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang diễn ra là điều cần thiết nhằm mang lại sự ổn định và uy tín cho đất nước.

Các nhà đầu tư nước ngoài thường coi việc thiếu lao động có kỹ năng là một trở ngại khi đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù sinh viên tốt nghiệp đại học là một nguồn lực quan trọng nhưng chúng ta cũng cần phải thúc đẩy các chương trình đào tạo nghề, để thợ điện, thợ sửa ống nước, thợ cơ khí, v.v. đều được đào tạo chính quy và sẵn sàng tham gia vào các dự án FDI.

Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số biện pháp và thực hiện các dự án trọng điểm có lợi cho tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế. Kết hợp các biện pháp này với việc chuyển hướng thương mại đến các quốc gia gần hơn và thân thiện hơn, cũng như củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất FDI trong khu vực, sẽ giúp đất nước chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ “cơn bão” nào có thể xuất hiện trong tương lai.

Bài: Tiến sĩ Daniel Borer, giảng viên ngành Quản trị, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam

Một phiên bản của bài viết này từng được đăng trên Vietnam Investment Review.

Hình đầu trang: Darko – stock.adobe.com | Hình thumbnail: Rattanathip – stock.adobe.com

Tin tức liên quan