Bình đẳng giáo dục cho mọi sinh viên

Bình đẳng giáo dục cho mọi sinh viên

Cam kết đem đến nền giáo dục thân thiện và dành cho mọi sinh viên của Đại học RMIT đã và đang không ngừng cải thiện trong nhiều năm qua.

Dịch vụ Bình đẳng giáo dục ELS của Đại học RMIT ra mắt năm 2013 với mong muốn đem đến cho mọi sinh viên cơ hội tiếp cận bình đẳng, cũng như cơ hội và hỗ trợ.

Trưởng phòng Chăm sóc Sức khỏe và Tâm lý bà Ela Partoredjo cho biết mục tiêu chính của ELS là “loại bỏ rào cản để sinh viên có thể tham gia hiệu quả vào mọi trải nghiệm học trong trường”.

“ELS hỗ trợ sinh viên khuyết tật, sinh viên có nhu cầu học tập khác biệt, sinh viên có vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần cũng như sinh viên đang chăm sóc cho những người này.

Tại hội thảo Thực hành Tiếp cận và Hòa nhập trong giáo dục sau phổ thông lần đầu tiên do Đại học RMIT tổ chức gần đây, sinh viên khiếm thị đầu tiên học tại RMIT bạn Nguyễn Tuấn Tú đã chia sẻ với đại biểu tham dự về cách trường thực hiện công tác bình đẳng giáo dục tốt như thế nào và điều này đã và đang thật sự thay đổi cuộc sống sinh viên, trong đó có cả bạn.

Sinh viên khiếm thị đầu tiên học tại RMIT Việt Nam Nguyễn Tuấn Tú chia sẻ trải nghiệm học tại hội thảo Thực hành Tiếp cận và Hòa nhập trong giáo dục sau phổ thông lần đầu tiên được tổ chức tại cơ sở Nam Sài Gòn của trường.  Sinh viên khiếm thị đầu tiên học tại RMIT Việt Nam Nguyễn Tuấn Tú chia sẻ trải nghiệm học tại hội thảo Thực hành Tiếp cận và Hòa nhập trong giáo dục sau phổ thông lần đầu tiên được tổ chức tại cơ sở Nam Sài Gòn của trường.

Trước khi bắt đầu phần trình bày của mình, Tú - sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh (Hệ thống thông tin trong kinh doanh) - đã đề nghị khách tham dự hội thảo dành vài phút suy ngẫm xem với họ khuyết tật là gì.

“Nhìn chung, khi đề cập đến khuyết tật mọi người thường nghĩ về những gì thấy được như khiếm thị, điếc, câm hoặc bất kỳ khuyết tật nào về thể chất”, Tú chia sẻ. “Nhiều dạng khuyết tật không thấy được bằng mắt thường và ngay cả người bị khiếm khuyết có khi cũng không biết mình đang có vấn đề”.

Tú đã trích dẫn định nghĩa từ Công ước quốc tế về các Quyền của Người khuyết tật (CRPD), theo đó “người được xem là khuyết tật là một người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tinh thần, trí tuệ hoặc giác quan, xuất phát từ sự tương tác giữa người khuyết tật với những rào cản về môi trường và thái độ, những rào cản này phương hại đến sự tham gia đầy đủ và hữu hiệu của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”.

Người khuyết tật và người gặp khó khăn trong học tập trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều vấn đề và rào cản nghiêm trọng. Khoảng 4% người học ở Việt Nam bị khiếm thị và 20% tổng dân số trải nghiệm khó khăn trong học tập liên quan đến ngôn ngữ.

Suốt thời gian học tại Đại học RMIT, từ thời còn là học viên tiếng Anh vào năm 2011 đến khi tốt nghiệp đại học năm 2017, Tú đã tình nguyện tham gia vào nhiều thử nghiệm hỗ trợ và học tập khác nhau với thành công ở nhiều cấp độ khác nhau.

Tú chia sẻ rằng, “thách thức lớn nhất tôi từng gặp phải là tham gia trọn ven vào các hoạt động trong lớp và hiểu hết tài liệu học tập. Song nhờ hiểu rõ hoàn cảnh của mình, tôi đã tự thiết lập chiến lược học riêng, và còn giúp nhiều thầy cô và nhân viên trong trường hiểu cách thức hỗ trợ những sinh viên như tôi một cách thích hợp”.

Việc đầu tiên Tú thực hiện với Bộ phận Kỹ năng học tập đã tạo nền tảng thành lập Trung tâm Nguồn lực hỗ trợ sinh viên khuyết tật, tiền thân của ELS hiện nay. Từ ngày thành lập đến giờ, ELS đã làm việc với hơn 500 sinh viên, nhiều bạn trong số đó đã tốt nghiệp với kết quả vượt trội.

Tú cho biết một trong những yếu tố trọng yếu định hướng hoạt động của ELS chính là gắn kết và đưa sinh viên vào quá trình thực hiện các hoạt động chính của mình.

Nguyễn Tuấn Tú tham gia vào chiến dịch do sinh viên trường thực hiện để chính thức ra mắt Dịch vụ Bình đẳng giáo dục của RMIT vào năm 2014.  Nguyễn Tuấn Tú tham gia vào chiến dịch do sinh viên trường thực hiện để chính thức ra mắt Dịch vụ Bình đẳng giáo dục của RMIT vào năm 2014.

“ELS chính thức ra mắt với chiến dịch truyền thông do chính các bạn sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại trường lên kế hoạch và thực hiện”, Tú chia sẻ. “Mục đích của chiến dịch là nâng cao nhận thức cho sinh viên khuyết tật cũng như cộng động, đồng thời giảm bớt tiếng xấu của vấn đề này và gặt hái thành công lớn hơn”.

Đầu năm 2014, ELS đã ra mắt bản Kế hoạch học tập bình đẳng để chỉ ra việc hoàn cảnh của một sinh viên có thể tác động lên trải nghiệm học của họ như thế nào, từ đó đưa ra đề xuất áp dụng Điều chỉnh thích hợp và Sắp xếp đánh giá bình đẳng.

Tú nhấn mạnh rằng, “văn bản này không chỉ ra tình trạng hay khuyết tật của sinh viên, và thông tin trong đó được tôn trọng, giữ riêng tư và bí mật”.

Kế hoạch học tập bình đẳng được tư vấn viên của ELS chia sẻ cho thầy cô phụ trách giảng dạy sinh viên đó ở mỗi học kỳ.

Năm sau đó, trường đã ra mắt Học bổng Chắp cánh ước mơ thường niên dành cho sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn và không có điều kiện theo học chương trình đại học tại RMIT Việt Nam. Học bổng bao gồm 100% học phí học tiếng Anh và chương trình đại học, cũng như các khoản phí bắt buộc với sinh viên RMIT Việt Nam, một suất ở ký túc xá, sinh hoạt phí hàng tháng, một máy tính xách tay và chí phí về thăm quê.

Tú cho biết: “Đến nay đã có mười sinh viên nhận học bổng này và bốn trong số đó đã tốt nghiệp với kết quả xuất sắc”.

(Từ trái sang) Sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT: Thạch Ngọc Minh Tâm và Nguyễn Thanh Vinh (hai bạn là người dẫn chương trình hội thảo) và Trưởng phòng Chăm sóc Sức khỏe và Tâm lý bà Ela Partoredjo.  (Từ trái sang) Sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT: Thạch Ngọc Minh Tâm và Nguyễn Thanh Vinh (hai bạn là người dẫn chương trình hội thảo) và Trưởng phòng Chăm sóc Sức khỏe và Tâm lý bà Ela Partoredjo.

Tú kêu gọi khách dự hội thảo hãy khuyến khích bất kỳ bạn học sinh sinh viên nào mà họ biết, đáp ứng các tiêu chuẩn học bổng hãy nộp đơn ứng tuyển vì “học bổng này dành cho tất cả sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn và không có điều kiện học đại học, chứ không chỉ sinh viên khuyết tật”.

Tháng 4/2016, bộ phận Dịch vụ Dạy và Học và Bình đẳng giáo dục đã ra mắt một sáng kiến áp dụng trên toàn trường nhằm hưởng ứng mục tiêu hòa nhập và đa dạng trong kế hoạch chiến lược cũng như Khung hướng dẫn thực hiện Hòa nhập và Đa dạng của trường.

Từ sáng kiến này, mọi tài liệu học đều được chuyển sang những mẫu biểu truy cập được. Theo đó, mọi hình biểu đồ và bảng biểu đều được bỏ ra và vẽ lại, và mọi hình ảnh đều được bổ sung thêm dòng chữ mô tả. “Bản thân tôi cũng tham gia vào dự án này. Tôi phản hồi về mẫu truy cập, đảm bảo rằng phổ màu dễ đọc và những thứ khác sẽ bao hàm phần đọc màn hình”, Tú cho biết.

“Từ ngày ra mắt, sáng kiến RMIT Access đã tạo được ảnh hưởng sâu sắc lên việc truy cập tài liệu học và chất lượng trải nghiệm học, đồng thời nâng cao danh tiếng của trường với tư cách đại học hàng đầu trong giáo dục bình đẳng ở khu vực”, Tú nói.

Dịch vụ mới đây nhất của ELS chính là Chương trình Hỗ trợ sinh viên ra mắt năm 2018 nhằm hỗ trợ sinh viên trong quá trình học bằng cách cho các bạn cơ hội đăng ký người đọc hộ, chép bài hộ, ghi chú hộ và/hoặc hỗ trợ tham dự lớp học.

Tú cho biết: “Hỗ trợ cho phép sinh viên làm quen với môi trường để có thể cải thiện sự tự tin và độc lập sau này. Và chúng tôi có thể tự hào chia sẻ với quý vị rằng nhiều sinh viên đã tự tin và độc lập hơn rất nhiều so với ngày đầu, trong đó có cả tôi người đang trình bày trước quý vị hôm nay”.

“Bình đẳng giáo dục cho phép sinh viên RMIT hiểu rằng khiếm khuyết không thể hiện con người các bạn, rằng họ vẫn có thể thành công và đóng góp với công cụ và tư duy phù hợp, điều sẽ giúp đổi thay mạnh mẽ toàn bộ một con người cũng như tương lai của họ”, Tú kết lời.

Bài: Hoàng Hà

17/01/2020

Chia sẻ

  • Chăm sóc Sức khỏe & Tâm lý
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan