Sinh viên RMIT công bố nghiên cứu đầu tiên từ niềm yêu thích logistics

Sinh viên RMIT công bố nghiên cứu đầu tiên từ niềm yêu thích logistics

Nghiên cứu kéo dài một năm về tác động của kỹ thuật in 3D lên ngành logistics và chuỗi cung ứng Việt Nam đã thay đổi Hà Tuấn Nghiệp cả về mặt cá nhân và học thuật.

Hà Tuấn Nghiệp (trái) và Tiến sĩ Reza Akbari, Chủ nhiệm bộ môn, giảng viên cấp cao tại RMIT Việt Nam và là đồng tác giả nghiên cứu, nhận giải “Nghiên cứu tốt nhất” tại Hội thảo Quốc tế Vận tải biển và Logistics châu Á lần thứ 12. Hà Tuấn Nghiệp (trái) và Tiến sĩ Reza Akbari, Chủ nhiệm bộ môn, giảng viên cấp cao tại RMIT Việt Nam và là đồng tác giả nghiên cứu, nhận giải “Nghiên cứu tốt nhất” tại Hội thảo Quốc tế Vận tải biển và Logistics châu Á lần thứ 12.

“Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ theo con đường nghiên cứu khi bắt đầu theo học ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics”, chia sẻ của cậu sinh viên với năng lực viết học thuật đã tạo được ấn tượng với thầy của mình – Tiến sĩ Reza Akbari, Chủ nhiệm bộ môn và giảng viên cấp cao tại Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam.

Từ cuộc trò chuyện đầu tiên với Tiến sĩ Akbari chia sẻ về mối quan tâm với công nghệ, đặc biệt về việc in 3D có thể tác động như thế nào lên logistics và chuỗi cung ứng, Nghiệp đã xác định được hướng đi của mình trên con đường học thuật, cũng nhưng khai mở tiềm năng phân tích dữ liệu trong bạn.

Nghiệp chia sẻ: “Tiến sĩ Akbari bắt đầu chỉ dạy tôi cách tìm nghiên cứu trên các tạp chí học thuật, đọc và diễn giải theo văn phong học thuật. Càng đọc nhiều và càng hiểu về dữ liệu, tôi càng hứng thú với lĩnh vực này”.

Cậu bạn hồ hởi nhấn mạnh rằng, “kho tàng kiến thức vô tận của nhân loại cùng những năm tháng miệt mài tìm hiểu của các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đều gói trọn trong những trang nghiên cứu này. Tất cả những gì chúng ta cần làm là đọc chúng càng nhiều càng tốt. Và tại RMIT, sinh viên chúng tôi được tiếp cận bộ sưu tập số không giới hạn bao gồm sách điện tử, tạp chí học thuật điện tử và Google Scholar”.

“Mọi việc ban đầu không dễ dàng vì viết lách không phải là thế mạnh của tôi”, Nghiệp chia sẻ. “Tôi đã chủ động tạo lập thói quen đọc sách và tài liệu, đồng thời thực tập rất nhiều lần cách dẫn lại thông tin tham khảo mà không thay đổi ý nghĩa của chúng”.

Sau sáu tháng nỗ lực và quyết tâm, nghiên cứu của Nghiệp và Tiến sĩ Akbari đã nhận giải “Nghiên cứu tốt nhất” tại Hội thảo Quốc tế Vận tải biển và Logistics châu Á lần thứ 12 (ICASL 2019). Nghiên cứu cũng vừa được công bố trên tạp chí khoa học Asian Journal of Shipping and Logistics (Elsevier Q2 Rank) vào đầu năm nay.

Tóm tắt của nghiên cứu tìm hiểu tác động và lợi ích của công nghệ tiên tiến lên các dịch vụ logistics và vận chuyển ở Việt Nam chỉ ra rằng: “Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cung cấp hiểu biết mới hiện thời và giá trị về hiện tượng này (in 3D), như một công cụ tiềm năng hỗ trợ cách mạng hóa ngành vận tải nhằm cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường”.

Tiến sĩ Akbari, giảng viên và là người hướng dẫn Nghiệp, cho biết cậu bạn đã đóng góp rất lớn trong quá trình làm nghiên cứu và là hình mẫu tích cực cho các bạn sinh viên khác.

“Nghiệp rất thân thiện và quan tâm đến các bạn sinh viên khác cũng như thầy cô và cán bộ nhân viên trường”, Tiến sĩ Akbari nói. “Nghiệp tích cực tham gia vào nhiều hoạt động như đảm nhiệm vai trò gia sư cho chương trình logistics, tham gia cuộc thi Giải quyết tình huống kinh doanh Nielsen và giành giải Nhất, đồng thời hỗ trợ một số dự án khác từ RMIT Melbourne”.

Hà Tuấn Nghiệp (thứ hai từ trái sang) và nhóm của bạn đã giành giải Nhất cuộc thi Giải quyết tình huống kinh doanh Nielsen gần đây.  Hà Tuấn Nghiệp (thứ hai từ trái sang) và nhóm của bạn đã giành giải Nhất cuộc thi Giải quyết tình huống kinh doanh Nielsen gần đây.

“Đồng đội của Nghiệp xem cậu là một trưởng nhóm năng động, có định hướng với năng lực học thuật vượt trội, biết phân công nhiệm vụ thích hợp cho từng thành viên và khuyến khích họ làm việc hiệu quả cùng nhau bằng cách lắng nghe thấu đáo hoặc bằng cách nêu gương tốt”.

Với triết lý “cách học tốt nhất là truyền đạt lại cho người khác và thực hành”, Nghiệp đã đảm nhiệm lớp Nhập môn Logistics tại bộ phận Hỗ trợ học thuật cho sinh viên ở RMIT Việt Nam.

“Vì dành nhiều thời gian nghiên cứu lĩnh vực này, tôi có thể đưa ra định nghĩa đơn giản và dễ nhớ về logistics và chuỗi cung ứng cho sinh viên mới, giúp các bạn hoàn tất chương trình học tốt hơn”, Nghiệp chia sẻ.

Nghiệp còn đưa khả năng nghiên cứu và phân tích dữ liệu của mình vào cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh gần đây. Đội của Nghiệp là đội duy nhất đưa ra bản đồ phân bổ trình bày rõ ràng cách các bạn giải quyết vấn đề như thế nào.

Nghiên cứu đầu tiên vừa công bố đã truyền cảm hứng để cậu bạn muốn đi xa hơn.

“Vì bản thân logistics và chuỗi cung ứng là một doanh nghiệp hoàn chỉnh cần hiểu biết sâu để có thể làm tốt nhất, tôi nghĩ chương trình cao học sẽ cho tôi nền tảng quan trọng nhằm tận dụng tối đa những gì ngành nghề đang nổi này đem đến”.

Bài: Hoàng Hà

  • Nghiên cứu
  • Phát triển nghề nghiệp
  • Logistics

Tin tức liên quan