Chương trình tọa đàm khuyến khích đối thoại về ngành sáng tạo

Chương trình tọa đàm khuyến khích đối thoại về ngành sáng tạo

Tại buổi tọa đàm đầu tiên thuộc chuỗi chương trình Đối thoại về Sáng tạo do Khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thị Hải Hà - Đồng sáng lập và Tổng giám đốc ClickMedia, đã trao đổi về những doanh nghiệp sáng tạo mới ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hải Hà (trái) (Đồng sáng lập và Tổng giám đốc ClickMedia) và Giáo sư Rick Bennett (Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế) trao đổi về những doanh nghiệp sáng tạo mới ở Việt Nam trong chương trình Đối thoại về Sáng tạo đầu tiên. Bà Nguyễn Thị Hải Hà (trái) (Đồng sáng lập và Tổng giám đốc ClickMedia) và Giáo sư Rick Bennett (Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế) trao đổi về những doanh nghiệp sáng tạo mới ở Việt Nam trong chương trình Đối thoại về Sáng tạo đầu tiên.

Luôn theo dõi sát sao những thay đổi liên tục và cơ hội trong ngành sáng tạo tại Việt Nam, Khoa Truyền thông và Thiết kế đã trình làng chuỗi sự kiện Đối thoại về Sáng tạo dưới định dạng phỏng vấn trò chuyện cùng nhiều khách mời khác nhau, để thảo luận về những chủ đề quan trọng trong ngành.

Đây là một phần trong chiến lược của khoa để trở thành một trong những khoa được biết đến và được coi trọng nhất Việt Nam về sáng tạo và truyền thông.

“Chúng tôi đang từng bước xây dựng RMIT Việt Nam thành trung tâm giáo dục và thực hành sáng tạo, nơi sẽ thay đổi tương lai ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam cũng như trong khu vực”, Giáo sư Rick Bennett - Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, chia sẻ.

Chương trình Đối thoại về Sáng tạo đầu tiên giới thiệu về những doanh nghiệp sáng tạo mới và tương lai ngành sáng tạo tại Việt Nam.

Giáo sư Bennett chia sẻ: “Năm qua, Chính phủ đã công bố bản báo cáo về chiến lược quốc gia đối với các ngành văn hoá ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030. Chiến lược này được định hướng từ tầm nhìn chiến lược biến Việt Nam thành trung tâm chính và là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về các ngành văn hoá. Đến năm 2030, Việt Nam muốn sở hữu nền kinh tế sáng tạo được công nhận toàn cầu”.

Giáo sư Bennett cũng cho biết các ngành quảng cáo, thiết kế thời trang, thiết kế sản phẩm, thiết kế truyền thông, điện ảnh và quay phim được liệt kê trong danh sách ưu tiên hàng đầu trong tương lai, và TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng là các Trung tâm Sáng tạo được liệt kê trong văn bản nói trên.

“Theo tôi, những cử nhân ngành sáng tạo sẽ thành lập doanh nghiệp mới của riêng họ, từ đó sẽ định hình tương lai ngành sáng tạo tại Việt Nam”, ông cho biết.

Buổi tọa đàm chào đón bà Nguyễn Thị Hải Hà, Đồng sáng lập và Tổng giám đốc ClickMedia, công ty chuyên dùng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đa dạng để hỗ trợ các thương hiệu truyền thông đến khách hàng của mình.

Thành lập năm 2009 khi thị trường chưa có đơn vị tương tự nào, ClickMedia đã cung cấp dịch vụ cho những thương hiệu và công ty hàng đầu như Heineken, Unilever, Pepsi Co, Starbucks, McDonald’s và Vinamilk.

“Những năm 2000, nhận thức về truyền thông kỹ thuật số rất khác với hiện nay”, bà Hà cho biết. “Thay vì bán những quảng cáo kỹ thuật số một chiều rất phổ biến lúc bấy giờ, ClickMedia ra đời nhằm đem đến lợi ích cho cộng đồng và mảng nội dung.”

ClickMedia sớm trở thành công ty truyền thông qua mạng xã hội đầu tiên trong làn sóng các doanh nghiệp tập trung vào ngành quảng cáo. Những khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng và giá trị đã tìm đến ClickMedia, và nhờ đó đơn vị này đã phát triển nhanh chóng.

Năm 2014, ClickMedia đã sát nhập với WPP, công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tiếp thị truyền thông, và hiện bà Hà đang quản lý hơn 100 nhân viên.

Tại buổi tọa đàm, bà Hà đã chia sẻ về trải nghiệm của bản thân khi khởi nghiệp trong ngành sáng tạo cũng như những thử thách kèm theo.

“Doanh nghiệp trong ngành sáng tạo vẫn phải giải quyết tất cả những thách thức mà [doanh nghiệp] ngành nào cũng phải đối mặt, như tài chính, nhân sự, chiêu dụ khách hàng, vận hành và phát triển kinh doanh”, bà nói. “Tuy nhiên, trong truyền thông và quảng cáo, chúng tôi còn cần cá tính và sự sáng tạo. Đó là những năng lực cần có để tạo ra đối thoại, để truyền thông với đối tượng của sản phẩm/dịch vục, và với khách hàng”.

Điều này có nghĩa là khả năng lãnh đạo tốt vô cùng quan trọng trong việc chiêu dụ nhân tài, những người mà nhờ họ một công ty sáng tạo mới có thể thành công.

Bổ sung vào ý về đào tạo sinh viên cho tương lai của Giáo sư Bennett, bà Hà cũng bàn về tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho thay đổi.

Bà giải thích một khái niệm trong ngành gọi là “dự án đa công ty”, theo đó các công ty sáng tạo từ các mảng như quảng cáo, truyền thông kỹ thuật số và tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm/dịch vụ, cùng làm việc trong một dự án và từ cùng một bản tóm tắt giao việc của khách hàng.

“Ranh giới giữa các công ty quảng cáo chuyên những mảng khác nhau không còn nữa. Tất cả phải cố gắng theo kịp khách hàng và giải quyết vấn đề của họ”, bà Hà chia sẻ. “Tất cả chúng ta phải chuyển đổi bản thân thành công ty của sự thay đổi. Điều này có nghĩa hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ truyền thông, quảng cáo đang tái cấu trúc, đòi hỏi những chức danh và kỹ năng mới.”

Những xu hướng khác trong ngành như sự quan trọng của ngữ cảnh so với nội dung, việc kêu gọi nguồn vốn từ đám đông theo thời gian thực và nội dung theo định dạng thân thiện với các thiết bị di động, cũng được giới thiệu đến sinh viên, với ví dụ thực tế từ những sản phẩm của ClickMedia.

“Điều này vừa phấn khởi, vừa đầy thách thức. Cách duy nhất để tồn tại là làm việc thật chăm chỉ và sáng tạo đổi mới”, bà Hà khuyên các bạn sinh viên, những người sẽ làm việc trong ngành nghề liên tục thay đổi này.

Chuỗi sự kiện Đối thoại về Sáng tạo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới với những chủ đề nóng hổi và các khách mời giàu kinh nghiệm.

Bài: Lê Thanh Phương

  • Quan hệ doanh nghiệp
  • Phát triển nghề nghiệp
  • Sự kiện

Tin tức liên quan