Cựu sinh viên RMIT dùng kể chuyện để phát triển thương hiệu thời trang

Cựu sinh viên RMIT dùng kể chuyện để phát triển thương hiệu thời trang

Lâm Huy Ngân, cựu sinh viên ngành Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp), thường gọi là Jo, đã giành được tình cảm của khách hàng nhờ những câu chuyện kể về hai thương hiệu thời trang của mình - Jamlos và Rustea.

Lâm Huy Ngân, cựu sinh viên ngành Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp), Chủ thương hiệu Jamlos và Rustea Lâm Huy Ngân, cựu sinh viên ngành Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp), Chủ thương hiệu Jamlos và Rustea

Năm 2014, từ niềm yêu thích riêng dành cho túi vải bố, Jo đã thành lập Jamlos với khoản vốn hạn hẹp – một triệu đồng.

Trong bộ sưu tập đầu tiên, Jo giới thiệu những chiếc túi xách làm từ vải bố với các khẩu hiệu truyền cảm hứng và những từ tiếng Việt cảm thán độc đáo như “Ủa”, “Ơi”. Niềm đam mê dành cho chất liệu này lớn dần trong cô từ đó.

“Càng hiểu nhiều về vải bố, tôi càng yêu chất liệu này. Nhiều đến nỗi tôi quyết định nghỉ việc ở một công ty truyền thông và tập trung phát triển thương hiệu của mình”, Jo kể lại.

Với các kiểu túi và phụ kiện đa dạng chủ yếu làm từ vải bố, Jamlos sớm được thị trường chú ý nhờ câu chuyện thương hiệu được xây dựng và thể hiện hiệu quả - câu chuyện về những chiếc túi năng động cho phong cách sống luôn dịch chuyển.

“Vì chuyên môn của tôi là truyền thông, tôi bắt đầu mỗi bộ sưu tập từ ý tưởng và những câu chuyện sẽ kể, thay vì mô hình kinh doanh và số liệu”, Jo chia sẻ về cách cô dùng kỹ năng phát triển ý tưởng học được tại RMIT Việt Nam cho doanh nghiệp của mình.

“Rồi tôi tự học cách thực hiện các mảng kinh doanh khác – từ thiết kế, sản xuất đến tài chính và chăm sóc khách hàng – để truyền tải được những câu chuyện đó.”

 

Bộ sưu tập FoodyTheBag của Jamlos với những chiếc túi lấy cảm hứng từ bánh hotdog, pizza, hamburger và bánh crepe, kể về tình yêu bánh ngọt và ẩm thực. Bộ sưu tập FoodyTheBag của Jamlos với những chiếc túi lấy cảm hứng từ bánh hotdog, pizza, hamburger và bánh crepe, kể về tình yêu bánh ngọt và ẩm thực.
Bộ sưu tập Eco Mates đem đến cho khách hàng những chiếc túi mua hàng và quai đeo ly thời trang, thân thiện với môi trường, được làm từ vải bố - lời kêu gọi giảm thiểu túi nhựa dùng một lần. Bộ sưu tập Eco Mates đem đến cho khách hàng những chiếc túi mua hàng và quai đeo ly thời trang, thân thiện với môi trường, được làm từ vải bố - lời kêu gọi giảm thiểu túi nhựa dùng một lần.

Jamlos dần chiếm được trái tim của nhiều khách hàng trẻ. Bắt đầu từ một cửa hàng trên mạng, Jo đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh, và một cửa hàng khác sau đó ở trung tâm Hà Nội.

Giữa năm 2017, Jo thành lập Rustea, một thương hiệu quần áo cho nam nữ, chủ yếu dùng các loại vải tự nhiên, đặc biệt là linen, với thiết kế tối giản. Jo gọi thương hiệu này là thời trang “nghỉ mát hàng ngày”.

Bộ sưu tập Morning của Rustea là câu chuyện về những người trẻ và tình yêu cuộc sống của họ, những người biết trân trọng từng khoảnh khắc có được, dù là những điều đơn giản như thức dậy vào buổi sớm mai, ngửi tách trà vừa hãm và cảm nhận bộ quần áo thoải mái. Bộ sưu tập Morning của Rustea là câu chuyện về những người trẻ và tình yêu cuộc sống của họ, những người biết trân trọng từng khoảnh khắc có được, dù là những điều đơn giản như thức dậy vào buổi sớm mai, ngửi tách trà vừa hãm và cảm nhận bộ quần áo thoải mái.

“Không có chiến lược kinh doanh quy mô hay chi phí đầu tư khủng cho marketing, kể chuyện là cách hai thương hiệu của tôi chạm đến và kết nối với khách hàng một cách thật tình cảm”, Jo giải thích về việc cần kíp duy trì thế mạnh kể chuyện trong việc phát triển kinh doanh của mình.

Thật đúng như vậy, khi bước vào một trong những cửa hàng của Jo, khách hàng bắt đầu mở ra những trang chuyện về Jamlos và Rustea. Mỗi chi tiết trong hành trình trải nghiệm của khách hàng đều giúp kể câu chuyện của thương hiệu và thể hiện cái hồn của chúng, từ chiếc bàn mây nơi khách đến chơi có thể ngồi nhâm nhi một tách trà, những quả chò nhỏ trang trí cho bộ sưu tập mùa hè, cho đến những chiếc túi lưới đựng sản phẩm có thể tái sử dụng và bao bì làm từ giấy xi măng hòng củng cố thêm thông điệp tối giản và thân thiện với môi trường của thương hiệu.

Khách hàng được tìm hiểu sản phẩm và những câu chuyện về chúng, đồng thời cũng thấy được chính họ trong những câu chuyện đó. Khi quyết định mua một thứ, khách hàng không chỉ đem về nhà một sản phẩm, mà là một câu chuyện để nhớ và để kể lại.

Jo kể chuyện và thể hiện cái hồn của thương hiệu trong từng chi tiết. Jo kể chuyện và thể hiện cái hồn của thương hiệu trong từng chi tiết.
Jo kể chuyện và thể hiện cái hồn của thương hiệu trong từng chi tiết. Jo kể chuyện và thể hiện cái hồn của thương hiệu trong từng chi tiết.

Với tinh thần “mọi thứ đều khả thi”, Jo lên kế hoạch tiếp tục kể câu chuyện thương hiệu của mình ở những thành phố khác tại Việt Nam, cũng như trong khu vực. Cuối năm 2017 vừa qua, Jo đã đem hai thương hiệu của mình đến Singapore triển lãm và quảng bá chúng.

“Khá nhiều khách hàng ngạc nhiên, và cũng rất trân trọng, khi tôi nói với họ đây là những thương hiệu Việt Nam. Họ ấn tượng với phong cách thiết kế và chất liệu vải, và đặc biệt là cách xây dựng thương hiệu”, Jo nói.

Cô gái trẻ cũng đặt mục tiêu mở một cửa hàng phong cách sống, nơi bày bán sản phẩm gia dụng thủ công, đồ trang trí cổ, và thức ăn nhà làm – tất cả trong cùng một không gian.

Và trong quá trình chuẩn bị cho cửa hàng mới này, Jo đã và đang lên kế hoạch kể tiếp một câu chuyện hấp dẫn khác.

“Kể chuyện là cách tuyệt vời không chỉ giúp thể hiện đam mê của bản thân bạn, mà còn để phát triển kế hoạch”, Jo kết lời.

Bài: Lê Thanh Phương

  • Thời trang
  • Bệ phóng khởi nghiệp

Tin tức liên quan