Đề xuất về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam

Đề xuất về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam

Các nhà nghiên cứu từ Đại học RMIT Việt Nam vừa kết thúc nghiên cứu chuyên sâu về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang diễn ra ở Việt Nam, bước quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước.

Các nhà nghiên cứu RMIT Việt Nam (từ trái sang phải: Tiến sĩ Burkhard Schrage, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung và Tiến sĩ Victor Kane) vừa kết thúc nghiên cứu chuyên sâu về cổ phần hóa DNNN đang diễn ra ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu RMIT Việt Nam (từ trái sang phải: Tiến sĩ Burkhard Schrage, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung và Tiến sĩ Victor Kane) vừa kết thúc nghiên cứu chuyên sâu về cổ phần hóa DNNN đang diễn ra ở Việt Nam.

DNNN Việt Nam bị đình trệ trong thời gian dài do thiếu hiệu quả, một vấn nạn khiến kinh tế đất nước không thể phát huy toàn bộ tiềm năng.

Theo báo cáo tóm tắt của nhóm nghiên cứu, “trong 30 năm qua, việc tái cơ cấu DNNN là nhân tố quan trọng của cải cách kinh tế Việt Nam”.

Tiến sĩ Victor Kane (Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học – khu vực châu  Á) giải thích rằng dù tiến trình này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ưu tiên hàng đầu, nhưng vẫn đối mặt với những thách thức.

Tiến sĩ Kane cho biết: “Tiến trình [cổ phần hóa] đang bị chậm lại vì nhiều trở ngại, nhiều chướng ngại và nhiều vấn đề. Ví dụ, bản thân một số lãnh đạo DNNN khá ngần ngại với cổ phần hóa, theo tôi là vì khi cổ phần hóa, đại loại là họ phải từ bỏ một số quyền lực, phải công khai với công chúng và phải minh bạch tài chính hơn. Rất nhiều lãnh đạo, và thậm chí cả nhân viên, do dự không muốn cổ phần hóa".

Tiến sĩ Burkhard Schrage (Giảng viên Khoa Kinh doanh & Quản trị) bổ sung thêm rằng, một vấn đề đáng ngại nghiêm trọng khác là thiếu quản trị doanh nghiệp tốt.

Ông giải thích: "Điều này có nghĩa vẫn còn nhiều DNNN có giám đốc điều hành đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị, nên cơ bản là người này tự thuê và tự đưa ra mức lương cho mình”.

Thêm vào đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung (giảng viên cấp cao và Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế của Khoa Kinh doanh và Quản trị) cho biết các nhà đầu tư nước ngoài muốn thu mua cổ phần DNNN trong quá trình cổ phần hóa thường bị hoãn do cơ chế sở hữu đất đai của Việt Nam.

Tiến sĩ Trung giải thích: “Đất đai là phần tài sản lớn và khi nhìn vào khoản này, các nhà đầu tư thấy rằng họ phải chi nhiều cho đất đai nhưng lại không thật sự sở hữu chúng”.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra những vấn đề liên quan đến quy trình đăng ký còn nặng nề và rườm rà với nhà đầu tư nước ngoài, cũng như việc DNNN được định giá như thế nào trước khi phát hành cổ phiếu ra công chúng. Một vấn đề khác là chính phủ đã miễn cưỡng thoái vốn khỏi các đơn vị có giá trị nhất.

Tiến sĩ Trung cho biết: “Hiện nay số lượng dường như nhiều hơn chất lượng, khoảng 96,3 phần trăm DNNN đã tư nhân hóa nhưng tổng giá trị (của vốn nhà nước được tư nhân hóa) ít hơn 10 phần trăm”.

Đề xuất giải pháp

Từ những kết quả nghiên cứu này, nhóm đã đưa ra một số kiến nghị cho Chính phủ Việt Nam do việc cổ phần hóa DNNN vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh.

Tiến sĩ Kane cho biết: "Điều chúng tôi cố gắng thực hiện trong báo cáo này là đưa ra một số kiến nghị ngắn và dài hạn”.

“Một là hãy cải thiện sức hút của DNNN. Có nghĩa là bạn phải cải thiện quản trị doanh nghiệp, phải tăng sự minh bạch và thời gian để mọi người thẩm tra công ty, và bạn phải tăng cường làm tiếp thị và quan hệ công chúng”, ông nói.

Tiến sĩ Kane đề xuất các chính sách như kế hoạch quyền sở hữu cổ phần cho nhân viên nhằm khuyến khích việc này.

Tiến sĩ Kane nói: "Bạn phải giúp nhân viên gắn kết bằng cách sở hữu gì đó”.

Một kiến nghị khác của nhóm nghiên cứu là dành cho chính phủ nhằm giảm bớt quyền sở hữu của mình trong các DNNN, nhiều hơn mức họ sẵn sàng từ bỏ cho đến nay.

Tiến sĩ Kane nói: “Khi DNNN bắt đầu phát hành cổ phiếu, chính phủ giữ rất nhiều quyền sở hữu, chắc hẳn là sẽ hơn 50 phần trăm. Đây không phải là điều xấu, nhưng nếu họ chỉ đưa ra ngoài một phần rất nhỏ và giữ lại 80 hoặc 85 hoặc 90 phần trăm, thì các nhà đầu tư nước ngoài và công chúng không được trao đủ quyền sở hữu”.

Nhìn chung, Tiến sĩ Trung và các thành viên của nhóm tin tưởng việc cổ phần hóa DNNN hiệu quả và tinh giản hơn là chìa khóa giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững.

Tiến sĩ Trung giải thích: “Khu vực quốc doanh đang chế ngự kinh tế tư nhân khiến mảng này không thể phát triển. Đây thực sự là ‘hiện tượng chèn ép’ trong nền kinh tế Việt Nam, và DNNN có thể đang góp phần tạo ra hiện tượng này”.

Ông hy vong nghiên cứu sẽ tạo ra được tác động lâu dài.

Ông nói: “Ưu tiên nghiên cứu tại RMIT là hợp tác với chính phủ, từ đó có thể giúp phát triển đất nước”.

Dự án nghiên cứu được sự tài trợ của VinaCapital. Nghiên cứu với tiêu đề Làm thế nào thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam đã được trình lên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vào tháng 6/2018. Bạn đọc quan tâm có thể tải Báo cáo tiếng Anh và tiếng Việt.

Bài: Michael Tatarski

  • Nghiên cứu

Tin tức liên quan