Gặp cô Linda Nguyễn: người truyền cảm hứng

Gặp cô Linda Nguyễn: người truyền cảm hứng

Sáng tạo và chỉn chu là linh hồn của phương pháp giảng dạy đem đến trải nghiệm giúp thay đổi sinh viên. Cô Linda Nguyễn, giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế, sẽ chia sẻ cách cô áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại này nhằm đem đến hiệu quả học tập tốt nhất có thể cho sinh viên của mình.

Cô vui lòng chia sẻ đôi chút về phương pháp giảng dạy của mình?

Tôi tin rằng sinh viên học hiệu quả nhất khi họ cảm thấy bài học dễ liên hệ đến bản thân và thoải mái tham gia. Chính vì vậy, tôi rất ủng hộ việc sinh viên chủ động trong học tập và luôn tìm nhiều cách khác nhau để khuyến khích các em thảo luận và trao đổi trong giờ học thay vì nghe giảng đơn thuần. Tôi luôn nỗ lực hết sức để áp dụng phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm.

Cô có thể nêu một số cách truyền cảm hứng thường áp dụng trong lớp để sinh viên đạt kết quả học tập tốt nhất có thể không?

Sau nhiều năm giảng dạy các lứa sinh viên có cách học khác nhau, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu học tập cũng như hiểu được kỳ vọng của sinh viên. Một trong những mảng nghiên cứu của tôi là kỳ vọng của sinh viên, vì vậy tôi đưa nghiên cứu vào cách giảng dạy hàng ngày của mình. Chúng tôi cần biết sinh viên muốn gì từ môn học, hay nói cách khác là các em kỳ vọng đạt được gì để từ đó chúng tôi có thể giúp các em đạt mục tiêu của bản thân.

Đôi khi, điều sinh viên hy vọng đạt được có thể không phù hợp với môn học. Ví dụ, môn Nhập môn Quảng cáo mà tôi đang phụ trách, rất nhiều sinh viên kỳ vọng có thể hiểu sâu tất cả các yếu tố cấu thành một chiến dịch quảng cáo, điều này là quá nhiều cho một môn học nhập môn. Trong trường hợp này, vai trò của giáo viên là hướng sinh viên đi đúng hướng, giúp các em biết cách thu được nhiều kiến thức nhất từ môn học.

Cô dùng phương pháp phản hồi như thế nào trong lớp học?

Một trong những điểm trọng tâm trong phương pháp giảng dạy của tôi là đưa ra những đánh giá chi tiết cho sinh viên. Tôi luôn cho rằng chúng ta có thể trưởng thành và cải thiện bản thân rất nhiều nhờ những đóng góp mang tính xây dựng, nên đây là điều tôi luôn cam kết đưa đến cho sinh viên.

Trong suốt học kỳ, tôi phản hồi với các em tại nhiều thời điểm khác nhau và dưới những hình thức khác nhau như nói chuyện trực tiếp hoặc nhận xét vào bài làm trong lớp, và phản hồi qua tập tin trên Google Drive. Tôi cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên nhận phản hồi từ bạn bè, hay đôi khi từ khách mời trong ngành. Nhiều sinh viên đã đích thân cảm ơn tôi vì những phản hồi trong quá trình học. Điều này khiến tôi rất vui.

Cô Linda Nguyễn, giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại Khoa Truyền thông & Thiết kế, từng nhận giải Giảng viên xuất sắc của Đại học RMIT Việt Nam. Cô Linda Nguyễn, giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại Khoa Truyền thông & Thiết kế, từng nhận giải Giảng viên xuất sắc của Đại học RMIT Việt Nam.

Cô còn làm gì khác trong lớp nhằm tạo ảnh hưởng tích cực đến sinh viên?

Một trong những mục tiêu của tôi là giúp sinh viên kích hoạt sự sáng tạo và tăng tính chủ động, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục Việt Nam, nơi sinh viên thường thụ động và học vẹt. Để khuyến khích sinh viên chủ động hơn trong học tập, tôi thích kết hợp nhiều hoạt động khác nhau như hoạt động đơn lẻ, theo cặp hay theo nhóm, để tăng việc trao đổi giữa các em đến mức tối đa. Điều này còn giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp và có lợi trong xây dựng kiến thức.

Tôi cũng cố gắng cho sinh viên hiểu rằng trên thực tế có nhiều cách giải quyết vấn đề nên các em có thể vận dụng khả năng sáng tạo một cách hiệu quả, theo những phương án xử lý phù hợp, và tìm ra cách giải quyết vấn đề theo cách mới hơn.

Tôi luôn tâm niệm rằng sinh viên của tôi không ai giống ai. Các em có nền tảng, điểm mạnh và yếu, cũng như cách học khác nhau. Vì vậy, tôi luôn cố gắng thiết kế bài giảng có nhiều hoạt động đa dạng với sự hỗ trợ của kỹ thuật số để phù hợp với nhiều đối tượng người học khác nhau như hình ảnh, âm thanh và vận động.

Bài: Howie Phung

  • Cộng đồng

Tin tức liên quan