Cựu sinh viên RMIT Việt Nam sáng lập công ty in ảnh lấy ngay

Cựu sinh viên RMIT Việt Nam sáng lập công ty in ảnh lấy ngay

Một ngày nọ, Đỗ Quốc Chung, sinh viên tốt nghiệp khóa 2008 tại cơ sở Hà Nội, Đại học RMIT Việt Nam, nhận được một xấp ảnh đã 30 năm tuổi từ một người anh em họ và tự hỏi trong tương lai, chuyện gì sẽ xảy ra với những tấm ảnh kỹ thuật số anh đã chụp.

Anh Chung, cử nhân ngành Thương mại, chia sẻ: “Hầu hết chúng ta không bao giờ in ảnh ra. Nếu ổ cứng hay điện thoại bị mất, những tấm ảnh này sẽ ra đi vĩnh viễn”. Anh đã nói chuyện với một người bạn đang sở hữu studio in ảnh cưới và được người này cho biết kinh doanh ngành này rất khó vì không ai in ảnh từ máy ảnh cá nhân hay điện thoại.

Sau đó, anh Chung đã nảy ra ý tưởng thành lập Camos, dịch vụ in ảnh kỹ thuật số lấy ngay, cho phép người dùng in ảnh ngay lập tức để chia sẻ với bạn bè và gia đình. Qua những ki-ốt ở các trung tâm thương mại, các sự kiện và những nơi khác, người dùng có thể kết nối thiết bị của mình và nhanh chóng in ảnh từ máy ảnh hoặc tài khoản Instagram.

Tuy nhiên, kiến thức đã có không đủ để giúp anh đối mặt với thách thức khi sáng lập một doanh nghiệp khởi nghiệp.

Anh nói: “Tôi nói chuyện với nhiều nhà khởi nghiệp, những người đã kêu gọi được tài trợ. Tôi thấy sống cuộc sống của một người khởi nghiệp thì không dễ dàng vì bạn sẽ từ bỏ công việc với mức lương cao để theo đuổi ước mơ. Sản phẩm của tôi là sự kết hợp giữa khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và công cụ marketing mới, nơi cả trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến song hành cùng nhau”.

Anh Chung có kinh nghiệp mười năm trong lĩnh vực marketing, hầu hết là tại Vinpearl Land, chứ không phải là chuyên gia khởi nghiệp. Anh chia sẻ rằng, lập nhóm cùng khởi nghiệp là điều khó nhất vì những người anh muốn cộng tác đã có công việc với vị trí cao tại các doanh nghiệp trọng yếu. “Sau đó, tôi gặp khó khăn với công nghệ và sản xuất vì khi đến khâu lắp ráp, ở Việt Nam, chúng ta không có nhiều lựa chọn”.

Một ki-ốt in ảnh của Camos được đặt trong một trung tâm thương mại. Một ki-ốt in ảnh của Camos được đặt trong một trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, Camos đã đi từ ý tưởng đến thực tế trong chỉ 45 ngày, trong khi hầu hết các startups phần mềm đều mất ít nhất 90 ngày. Công ty chính thức ra mắt vào ngày 27/10 năm ngoái và đã cộng tác được với các tổ chức toàn cầu như Budweiser, Philip Morris, BMW và JW Marriott.

Với tốc độ phát triển vũ bão như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi anh Chung mơ lớn: “Chúng tôi hy vọng sẽ vươn ra thế giới và khiến mọi người nghĩ về Camos như một công cụ cho phép in ảnh lấy ngay từ điện thoại thông minh và là ‘giải pháp xây dựng thương hiệu hoàn toàn mới’. Hiện người Việt đã nghĩ theo hướng này”.

Bài: Michael Tatarski

  • Bệ phóng khởi nghiệp

Tin tức liên quan