Giảng viên RMIT thắp lửa cho văn hóa dân gian Việt qua đồ chơi

Giảng viên RMIT thắp lửa cho văn hóa dân gian Việt qua đồ chơi

Giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT Việt Nam đã đưa đam mê cả đời với đồ chơi vào việc chế tác ra bộ đồ chơi mô hình Sơn Tinh – Thủy Tinh dựa trên truyện dân gian Việt Nam.

Là giảng viên môn Chế tác đồ chơi và Thiết kế 3D hơn mười năm, ông Nguyễn Tú đã đưa vào lớp học chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong ngành có được từ vai trò Giám đốc điều hành Vinamation – một công ty đóng tại TP. Hồ Chí Minh chuyên làm hiệu ứng cho những bộ phim Hollywood.

Sản phẩm vừa trình làng của ông lấy cảm hứng từ niềm đam mê đồ chơi với bằng chứng là bộ sưu tập khoảng 1.500 nhân vật siêu anh hùng cũng như các nhân vật khác trong tủ kính tại phòng làm việc của ông. 

Giảng viên Đại học RMIT Việt Nam - ông Nguyễn Tú (thứ hai từ phải sang) kiểm tra quy trình sản xuất bộ đồ chơi Sơn Tinh – Thủy Tinh. Giảng viên Đại học RMIT Việt Nam - ông Nguyễn Tú (thứ hai từ phải sang) kiểm tra quy trình sản xuất bộ đồ chơi Sơn Tinh – Thủy Tinh.

Trong năm năm qua, ông nung nấu ý tưởng thiết kế và sản xuất dòng đồ chơi mô hình của riêng mình. Tháng 12/2016, kế hoạch cũng như đam mê của ông đã đơm hoa kết trái khi bộ đồ chơi Sơn Tinh – Thủy Tinh cuối cùng đã ra đời.

Ông chia sẻ: “Tôi muốn thổi hồn cho những nhân vật lịch sử và dân gian Việt Nam”.

Sơn Tinh – Thủy Tinh là bộ sản phẩm đầu tiên của ông gồm năm nhân vật dân gian và lịch sử, đi kèm một cuốn sách và trò chơi vượt địa hình về đích.

Một trong những nhân vật trong bộ đồ chơi Sơn Tinh – Thủy Tinh, ngựa chính hồng mao làm từ nhựa an toàn, đang được đánh bóng cẩn thận. Một trong những nhân vật trong bộ đồ chơi Sơn Tinh – Thủy Tinh, ngựa chính hồng mao làm từ nhựa an toàn, đang được đánh bóng cẩn thận.

Bộ sản phẩm này là một phần của Vạn Tích – giấc mơ lớn của ông về những sản phẩm đồ chơi được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Hồi tưởng lại giai đoạn sản xuất đầy thử thách, ông Tú chia sẻ: “Thật khó tìm được một đơn vị chế tác Việt Nam có thể làm những sản phẩm đồ chơi mô hình chất lượng cao với nhiều chi tiết. Tôi mất hai năm chạy từ nơi này sang nơi khác, thử bản mẫu và tìm đơn vị chế tác đủ khả năng”.

Bộ sưu tập Sơn Tinh – Thủy Tinh. Bộ sưu tập Sơn Tinh – Thủy Tinh.

Nhờ mối quan hệ chặt chẽ với RMIT Việt Nam, ông đã tuyển dụng nhiều sinh viên tốt nghiệp từ trường vào làm cho doanh nghiệp của mình, trong đó có sáu cựu sinh viên tham gia dự án Vạn Tích.

Và một nhóm cựu sinh viên RMIT Việt Nam khác hiện đang làm việc tại YOLO – đơn vị chuyên sản xuất video, cũng đã hỗ trợ dự án bằng cách kể câu chuyện về Vạn Tích qua một bộ phim ngắn.

Ông cũng đã đưa môn chế tác đồ chơi về RMIT Việt Nam từ năm 2016 và trực tiếp giảng dạy.

Sinh viên tham gia khóa học 24 tín chỉ này sẽ có được trải nghiệm làm đồ chơi từ nhựa PLA, sau đó chà nhám và sơn dùng những kỹ năng có được từ lớp phun sơn màu.

Nhóm ba sinh viên lấy cảm hứng từ lớp chế tác đồ chơi của ông Tú cũng vừa thắng giải Nhất cuộc thi sáng tạo Cảm quan Việt Nam với bộ cờ vua Huyền thoại in bằng kỹ thuật 3D.

Bài: Hoàng Hà

 

  • Cộng đồng

Tin tức liên quan