Lớp học “xuyên lục địa” tại RMIT Việt Nam

Lớp học “xuyên lục địa” tại RMIT Việt Nam

Hai mươi bảy sinh viên môn Nguyên lý Marketing tại RMIT Việt Nam đã tham gia dự án kéo dài bốn tuần cùng học, cùng làm với sinh viên ở Amsterdam, Hà Lan.

Dự án COIL (Hợp tác học tập trực tuyến quốc tế) kết nối sinh viên RMIT Việt Nam với nhóm sinh viên hiện đang học tại các trường ngoài Việt Nam, nhằm phát triển năng lực làm việc giữa các nền văn hoá – kỹ năng được các nhà tuyển dụng toàn cầu đánh giá cao.

Giảng viên Khoa Thương mại và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, cô Jis Kuruvilla đã kết nối với nhóm 30 sinh viên ngành tài chính và kinh tế từ Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam. Các bạn rất háo hức muốn biết thêm về Việt Nam. Cô Jis cho biết dự án là cơ hội để đưa thế giới bên ngoài vào lớp học, đồng thời truyền tải một trong những tầm nhìn chiến lược của Đại học RMIT – xây dựng “hộ chiếu toàn cầu” cho sinh viên.

Kết nối chủ yếu qua Facebook, sinh viên tham gia môn này được giao một nhiệm vụ marketing thực tế. Các em được yêu cầu tìm hiểu càng nhiều càng tốt về các bạn hiện đang sống ở Hà Lan. Sau đó, dựa vào hồ sơ đã tích luỹ được, các em phải trình bày về một sản phẩm mà các em nghĩ sẽ cải thiện cuộc sống của các bạn đồng môn người Hà Lan. Các em thực hiện dự án qua “Thử thách ảnh selfie” kéo dài hai tuần – gởi hình ảnh về cuộc sống thường nhật của nhau, phỏng vấn qua bảng hỏi và cuối cùng là phỏng vấn trực tiếp.

Cô Jis chia sẻ: “Khi sắp xếp buổi trò chuyện nhóm trực tuyến đầu tiên qua Skype, sinh viên đã rất hồi hộp. Các em đặt nhiều câu hỏi cho nhau và hào hứng tham gia vào dự án. Sinh viên RMIT Việt Nam vốn rất hiếu kỳ muốn biết điều gì đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới, và thay vì nghe từ giảng viên hay đọc trong các ví dụ thực tiễn, dự án COIL đã đưa trải nghiệm học tập toàn cầu đến với các em ngay trong lớp học”.

Sinh viên tham gia dự án COIL tìm hiểu nhau trong “Thử thách ảnh selfie” kéo dài hai tuần. Hình chụp selfie nhóm trong lớp học tại Hà Lan. Sinh viên tham gia dự án COIL tìm hiểu nhau trong “Thử thách ảnh selfie” kéo dài hai tuần. Hình chụp selfie nhóm trong lớp học tại Hà Lan.

Về giá trị của dự án, cô Jis nêu bật khả năng của sinh viên trong thể hiện kinh nghiệm bản thân đến nhà tuyển dụng tiềm năng.

Cô cho biết: “Tôi nghĩ loại dự án này là điều các nhà tuyển dụng tìm kiếm – khả năng để sinh viên làm việc trong môi trường liên văn hoá. Dự án sẽ nâng cao kỹ năng làm việc của các em”.

Ngoài ra, tất cả sinh viên tham gia dự án tình nguyện này còn dự buổi huấn luyện của chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân+. Chứng nhận tham dự chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân+ sẽ được đính kèm trong hồ sơ tốt nghiệp của các em.

Jihyeon Kwon và Phạm Nguyên Hải, học ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics, RMIT Việt Nam, đều tham gia dự án COIL. Cả hai đều tiến cử dự án này cho các bạn sinh viên khác. Hải giải thích rằng phần thuyết trình của em về một sản phẩm Việt Nam nhóm lên mối quan tâm sâu sắc từ những người bạn mới ở Hà Lan.

Hải chia sẻ: “Các bạn thực sự quan tâm, không những vậy còn gợi ý cơ hội kinh doanh nếu em muốn làm trong tương lai”.

“Điều này rất quan trọng, vì từ đó em học được nhiều điều về cách thích nghi, cách sống, làm việc và hưởng thụ các nền văn hoá khác nhau”, Hải bổ sung thêm.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên lạc với Điều phối viên dự án COIL – cô Sienney Liu theo thư điện tử sienney.liu@rmit.edu.vn.

Bài: Jon Aspin

  • Hoàn thiện kỹ năng cá nhân
  • Nghiên cứu

Tin tức liên quan