Sinh viên RMIT ấn tượng với công nghệ và nghề thủ công Nhật Bản

Sinh viên RMIT ấn tượng với công nghệ và nghề thủ công Nhật Bản

Trong chương trình tham quan học tập JENESYS 2016 đến Nhật Bản, sinh viên cao học ngành Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT Việt Nam - Nguyễn Vĩnh Bảo ấn tượng sâu đậm với sự tồn tại song hành của công nghệ hiện đại và nghề thủ công truyền thống.

Chuyến thăm Nhật Bản hai tuần với những hoạt động văn hóa và tham quan công ty đã mở rộng tầm mắt của Vĩnh Bảo.

Đất nước của công nghệ cao

Vĩnh Bảo chia sẻ: “Trong chuyến thăm công ty Daikin và Shimadzu, tôi bị choáng ngợp bởi hàng loạt sáng kiến đột phá như ô tô điện, máy điều hòa thông minh và máy kiểm tra sức khỏe. Những tiến bộ khoa học này đều có chung sứ mệnh cải thiện chất lượng sống của con người”. 

Nguyễn Vĩnh Bảo và lá cờ Việt Nam trong chuyến tham quan học tập JENESYS 2016. Nguyễn Vĩnh Bảo và lá cờ Việt Nam trong chuyến tham quan học tập JENESYS 2016.

Vĩnh Bảo cũng đến thăm Bảo tàng quốc gia về Khoa học và Phát kiến mới nơi trưng bày mô hình liên quan đến lĩnh vực vật lý, vũ trụ và sức khỏe.

Tại bảo tàng, cả nhóm thích thú với những công nghệ siêu hiện đại và robot có thể tương tác với con người như robot nổi tiếng ASIMO. 

Màn biểu diễn thú vị của robot nổi tiếng ASIMO. Màn biểu diễn thú vị của robot nổi tiếng ASIMO.

Vĩnh Bảo cũng ấn tượng với robot tự hành đến từ phòng thí nghiệm Active của Osaka giúp đỡ và di chuyển bệnh nhân hay người cao tuổi nhẹ nhàng khi họ đang nằm.

Chiếc máy giúp đỡ và di chuyển bệnh nhân một cách nhẹ nhàng. Chiếc máy giúp đỡ và di chuyển bệnh nhân một cách nhẹ nhàng.

Học hỏi từ truyền thống

Nhật Bản không chỉ có công nghệ cao.

Vĩnh Bảo ngạc nhiên và bị thu hút bởi sự phát triển của các làng nghề truyền thống như Sakai và Takashima. 

Trong chuyến thăm làng nghề Sakai nổi tiếng với nghề làm dao, Vĩnh Bảo đã học được cách mài dao một cách chuyên nghiệp.

Ngưỡng mộ nghệ thuật làm dao thủ công, Bảo chia sẻ: “Điều thú vị là dao Sakai dùng để sơ chế lươn ở Tokyo sẽ khác với dao cho những người ở Osaka vì cách người dân hai vùng này sơ chế lươn khá khác nhau”.

Nghệ nhân làng nghề Sakai chỉ cho Bảo cách mài dao một cách chuyên nghiệp. Nghệ nhân làng nghề Sakai chỉ cho Bảo cách mài dao một cách chuyên nghiệp.

Tại Takashima, làng nghề nổi tiếng về làm quạt giấy, rượu sake và các loại bánh truyền thống, Vĩnh Bảo suy ngẫm: “Tôi nghĩ điều Việt Nam có thể học hỏi là áp dụng quy trình sản xuất chuẩn để đảm bảo chất lượng cao của sản phẩm thủ công, đồng thời xây dựng thương hiệu để tăng giá trị cho sản phẩm”.

Bảo (ngoài cùng bên phải) và các bạn thăm nhà máy sản xuất rượu Sake. Bảo (ngoài cùng bên phải) và các bạn thăm nhà máy sản xuất rượu Sake.

Xây dựng tình bạn

Vĩnh Bảo đặc biệt thích khoảng thời gian lưu trú tại nhà người dân ở vùng ngoại ô gần Kyoto, nơi chủ nhà đã trở thành “bố mẹ nuôi” của Bảo.

Bảo cho biết: “Bố mẹ nuôi chuẩn bị từng bữa ăn tỉ mỉ và đầy quan tâm. Tôi rất cảm động”.  

Vĩnh Bảo và “bố mẹ nuôi” ở Nhật. Vĩnh Bảo và “bố mẹ nuôi” ở Nhật.

Trong khi ai nấy đều mệt và ngủ thiếp đi trên chuyến tàu Shinkansen, thành viên ban tổ chức vẫn tranh thủ thời gian kiểm tra lại lịch trình để đảm bảo mọi việc suôn sẻ. 

Vĩnh Bảo và các bạn đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Đông Timor tham gia JENESYS 2016. Vĩnh Bảo và các bạn đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Đông Timor tham gia JENESYS 2016.

“Tôi thực sự ngưỡng mộ người Nhật ở ý thức kỷ luật, sự đúng giờ và tận tâm trong công việc”.

Vĩnh Bảo không chỉ học hỏi từ người Nhật mà còn từ những bạn trong đoàn JENESYS đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ và Đông Timor.

Vĩnh Bảo chia sẻ: “Thật khó để nói lời chia tay. Dù ai cũng buồn khi chương trình kết thúc nhưng chúng tôi vui vì sẽ gặp lại nhau ở các nước khác nhau sau hành trình JENESYS 2016”.

Bài: Đoàn Thanh Vân

  • Quốc tế
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan