Vai trò của giáo dục trong ngành thời trang

Vai trò của giáo dục trong ngành thời trang

Nói về sự đóng góp của giáo dục trong phát triển ngành thời trang, thành viên tham gia thảo luận nhóm tại hội thảo Sản xuất thời trang: Made in Vietnam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kết nối doanh nghiệp và giới học thuật.

Tiến sĩ Angela Finn, Phó phòng Dạy và Học, Khoa Thời trang và Dệt may của Đại học RMIT phát biểu: “Chúng tôi có một mô hình giáo dục đang phát triển trên toàn cầu. Theo đó, sinh viên có thể bảo lưu việc học trong một năm để đi làm lấy kinh nghiệm thực tiễn và thời gian làm việc này được công nhận vào điểm tốt nghiệp”.

Buổi thảo luận vào ngày thứ ba của hội thảo đã bàn về cách giáo dục có thể thúc đẩy phát triển ngành thời trang sáng tạo, sôi động và bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

“Tôi cho rằng một yếu tố thực sự quan trọng khác đóng góp cho ngành thời trang là các cơ sở giáo dục thực hiện những dự án quan trọng đóng góp vào mục tiêu của ngành đồng thời cho sinh viên cơ hội để học hỏi”, Tiến sĩ Finn bổ sung thêm.

Để minh họa cho quan điểm này, Giám đốc Sáng tạo cấp cao của L'Usine Space bà Lottie Delamain kể về kinh nghiệm của bản thân khi làm việc với sinh viên RMIT Việt Nam trong dự án thiết kế và trang trí cửa hàng thời trang của nhãn hiệu nhân dịp Tết Nguyên đán.

Bà chia sẻ: "Chúng tôi đã dùng những mẫu thiết kế phù hợp với L'Usine và những mẫu chúng tôi thích. Tôi cho rằng đây là thành công rất lớn".

Giúp sinh viên tự tin và hiểu biết về ngành thời trang là chủ đề quan trọng khác được đề cập đến trong phần thảo luận.

Fashion colloquia 2016

Hình ảnh: Giảng viên Đại học RMIT Việt Nam Rebecca Morris (giữa, áo đen) dẫn dắt phần thảo luận của các chuyên gia giáo dục và thời trang.

Ông Nguyễn Vũ Quân, Giám đốc Chiến lược của Rice Creative và là giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, cho biết hướng dẫn và cố vấn có thể tạo tự tin cho sinh viên: "Giảng viên RMIT Việt Nam luôn khuyến khích sinh viên và giúp các em hình thành sự tự tin để trở nên quyết đoán". 

Giảng viên RMIT Việt Nam Rebecca Morris bổ sung rằng các bài thuyết trình cũng quan trọng giúp sinh viên tự tin hơn cũng như chuẩn bị cho các em sẵn sàng trước những tình huống thực tế.

Bà nói: "Khi đi làm, các em sẽ phải thuyết trình với nhóm của mình. Tôi thấy rõ sự khác biệt của sinh viên qua các năm, các em năm ba tự tin hơn các em năm nhất rất nhiều khi làm thuyết trình".

Quản lý của Thủy Design House ông Nguyễn Hữu Kiên cho biết sinh viên thường không hiểu đúng về ngành thời trang: "Các bạn khá lúng túng và chuẩn bị không kỹ nên rất dễ căng thẳng và thất vọng khi thực sự vào việc. Vì vậy, tôi nghĩ hội thảo này là bước quan trọng giúp sinh viên hiểu về thực trạng ngành thời trang, chúng ta còn thiếu gì và cần cải thiện gì”.

Bà Jo Cramer, Trưởng chương trình tại Khoa Thời trang và May mặc Đại học RMIT Melbourne, bổ sung: "Có lẽ, với tư cách là những nhà giáo, điều chúng ta nên làm là thực sự thúc đẩy sáng tạo đồng thời khuyến khích sinh viên chấp nhận thử thách và đón nhận cơ hội. Tôi hy vọng sinh viên có thể nắm lấy những gì các em có thể thực hiện được ở đây. Là giảng viên, chúng tôi luôn nâng đỡ các em".

Cùng tham gia phần thảo luận còn có Giáo sư Mathews Nkhoma, Trưởng ngành Hệ thống thông tin trong kinh doanh Đại học RMIT Việt Nam.

Bài: Hải Yến

  • Thời trang

Tin tức liên quan