Sinh viên phát biểu tại Đối thoại giáo dục toàn cầu

Sinh viên phát biểu tại Đối thoại giáo dục toàn cầu

Sinh viên RMIT Việt Nam Nguyễn Hồ Thảo Nguyên vừa trình bày vấn đề liên quan đến khả năng được tuyển dụng của sinh viên tại diễn đàn đối thoại về chính sách có tiếng của Hội đồng Anh.

Trong khuôn khổ một dự án tại lớp học, Thảo Nguyên - sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp cùng bốn bạn học đã chuẩn bị kế hoạch truyền thông tiếp thị tích hợp cho một dự án tầm quốc gia của Trung tâm Unesco Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo về giới trẻ Việt Nam và sự sẵn sàng làm việc của họ.

Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện khảo sát trên 170 sinh viên đại học Việt Nam và nhận thấy tự tin vào năng lực bản thân là điều bắt buộc nếu muốn dấn thân thành công vào thị trường lao động”.

Theo khảo sát, để sẵn sàng làm việc thì việc phát triển tính cách và kỹ năng quan trọng hơn tích lũy kiến thức.

Nguyên cho biết Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhài, cựu giảng viên của bạn, đã giới thiệu cả nhóm đến với diễn đàn khi thấy sự tương đồng giữa dự án tại lớp của nhóm và chủ đề năm nay của chương trình Đối thoại giáo dục toàn cầu – Đổi mới và Khả năng được tuyển dụng: Hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp để phát triển kinh tế bền vững.

Nguyễn Hồ Thảo Nguyên trình bày về khả năng được tuyển dụng của sinh viên tại Đối thoại giáo dục toàn cầu 2016.. Nguyễn Hồ Thảo Nguyên trình bày về khả năng được tuyển dụng của sinh viên tại Đối thoại giáo dục toàn cầu 2016..

Nguyên rất vui và vinh dự khi dự án của nhóm được đề xuất trình bày và trở thành chủ đề chính cho phần tranh luận của khoảng 130 đại biểu là lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và các trường cao đẳng đại học, cũng như các nhà nghiên cứu và những người làm trong lĩnh vực giáo dục từ Vương quốc Anh, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á.

Bạn chia sẻ: “Đây là cơ hội tuyệt vời để tôi giao lưu kết nối, mở rộng mối quan hệ, trau dồi kỹ năng và hiểu về những thách thức cũng như cơ hội mà giáo dục bậc đại học đang đối mặt”.

Sau thuyết trình của Nguyên là phần thảo luận nhóm theo chủ đề chính Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp – làm thế nào để thành công.

Bài nghiên cứu của cả nhóm được trích dẫn trong một cuốn sách về giáo dục sắp xuất bản có tựa đề Cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam: Lực lượng lao động toàn cầu và nhu cầu của doanh nghiệp trong nước.

Các thành viên khác cùng thực hiện bài nghiên cứu đều là sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT Việt Nam, gồm Phan Lê Ngọc Hân, Trình Kim Tuyết, Nguyễn Thị Tô Sa và Trần Nguyễn Ánh Linh.

(Từ trái sang) Trần Nguyễn Ánh Linh, Phan Lê Ngọc Hân, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhài, Nguyễn Thị Tô Sa, Trình Kim Tuyết và Nguyễn Hồ Thảo Nguyên tại Đối thoại giáo dục toàn cầu 2016.. (Từ trái sang) Trần Nguyễn Ánh Linh, Phan Lê Ngọc Hân, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhài, Nguyễn Thị Tô Sa, Trình Kim Tuyết và Nguyễn Hồ Thảo Nguyên tại Đối thoại giáo dục toàn cầu 2016..

Bài: Hoàng Hà

  • Cộng đồng

Tin tức liên quan