Thạc sĩ An toàn Thông tin

Mã chương trình

MC159

Hình thức

Toàn thời gian/

Bán thời gian

Kỳ nhập học

 Tháng 10 2023

Hạn nộp hồ sơ

13/10

Cơ sở

Nam Sài Gòn

Tổng quan

Trong một thế giới đang ngày càng số hóa và mở rộng không gian mạng, an toàn thông tin là điều tối quan trọng với bất kì cá nhân hoặc tổ chức nào. 

Thạc sĩ An toàn Thông tin là chương trình dành cho những chuyên viên công nghệ và những nhà quản lý an toàn thông tin có mối quan tâm đến sự thiết lập, vận hành của các hệ thống an toàn thông tin. Được đưa vào giảng dạy từ năm 2001 ở đại học RMIT Melbourne, đây là chương trình cao học về An toàn Thông tin lâu đời nhất tại Úc, với nhiều sự thích ứng, thay đổi theo thời gian để bắt kịp với sự phát triển không ngừng của lĩnh vực này. 

An toàn thông tin là một lĩnh vực rộng lớn. Ngành học này sẽ tiếp cận những nhánh chuyên môn nhỏ hơn bao gồm bảo mật internet và hệ thống LAN, các dạng thức khác nhau của mật mã học, và mật mã học cải tiến để giải quyết các rủi ro trong tương lai (ví dụ: hệ mật mã trên đường cong elliptic). Ngoài ra, chuyên môn về quản lý kỹ thuật, thông tin, rủi ro cũng hết sức quan trọng, cũng như năng lực tiên dự trước những hiểm hoạ mới trong tương lai. 

Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ có khả năng ứng dụng linh hoạt các kỹ thuật phân tích, toán, tin và thuật toán, các giao thức truyền thông ở mức độ cá nhân và doanh nghiệp, cũng như có khả năng mô phỏng và đánh giá chuyên sâu các quy trình, các hệ thống an toàn thông tin.  

Nếu những chương trình tương đương khác chủ yếu tập trung vào khía cạnh kỹ thuật, chương trình Thạc sĩ An toàn Thông tin của đại học RMIT mang dấu ấn độc nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bởi sự đa dạng và mở rộng kiến thức liên đới đến những khía cạnh về toán học, doanh nghiệp, kỹ thuật. Vì lẽ đó, chương trình được thiết kế một cách thiết thực, cân bằng giữa yếu tố công nghệ và yếu tố con người - một phần quan trọng của an toàn thông tin. 

Học tập kết hợp thực tiễn là trọng tâm, với 4 môn học cho phép học viên được cọ xát thực tế và kết nối với các doanh nghiệp trong ngành. Ngoài ra, chương trình còn có những cơ hội thực tập trong ngành an toàn thông tin cho học viên, đảm bảo học viên được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết. 

Cấu trúc chương trình

Bạn có thể tìm hiểu thông tin chi tiết môn học qua những đường dẫn bên dưới (thông tin bằng tiếng Anh).

Học kỳ 1

Học kỳ 2

Học kỳ 3

Nếu đã sẵn có một phần kiến thức và những kỹ năng được dạy trong chương trình này (từ kinh nghiệm thực tiễn hoặc các chương trình đào tạo trước đó), học viên có thể được cân nhắc xét duyệt miễn giảm tín chỉ. 

Học viên có kiến thức từ trước về khoa học máy tính, công nghệ thông tin, kỹ sư phần mềm, khoa học dữ liệu, phân tích hoặc thống kê có thể được cân nhắc xét duyệt miễn giảm tín chỉ theo các tiêu chuẩn sau: 

Trình độ
Miễn giảm tín chỉ
Bằng cử nhân hoặc Chứng chỉ tốt nghiệp  (AQF Cấp độ 7 hoặc tương đương)  Tối đa 48 tín chỉ (tương đương 4 môn học) tuỳ vào chương trình học đã hoàn thành trước đó 

Việc miễn giảm tín chỉ sẽ được xét duyệt theo từng hồ sơ nhập học. 

Phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá

Chương trình Thạc sĩ An toàn Thông tin kết hợp nhiều phương thức học tập và giảng dạy khác nhau, bao gồm các bài giảng, các buổi học chuyên sâu, các lớp học thực hành phòng máy. Bên cạnh đó là cơ hội tham gia các dự án nhóm cũng như những hoạt động tham vấn chuyên gia. 

Học viên có thể truy cập tài liệu trên Hệ thống Quản lý Học tập, gồm các bài giảng được thu sẵn dưới định dạng video và các ghi chú có liên quan, cũng như các buổi gặp trực tiếp hoặc trực tuyến hàng tuần và những buổi hỏi đáp với giảng viên. 

Các buổi học chuyên sâu sẽ hỗ trợ tiếp thu kiến thức tốt hơn và cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, học viên còn được nâng cao khả năng làm việc nhóm qua các dự án và các buổi thuyết trình. Song song với các bài kiểm tra truyền thống và bài luận cá nhân, các dự án còn giúp học viên đưa lý thuyết và khả năng phân tích, nghiên cứu vào thực tiễn. 

Các phần mềm an toàn thông tin hiện đại sẽ được sử dụng xuyên suốt chương trình học để đảm bảo học viên được thực hành kỹ năng phân tích dữ liệu một cách chuẩn xác, tiên tiến nhất. 

Triển vọng nghề nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ sẵn sàng đảm nhiệm nhiều vị trí và vai trò khác nhau trong môi trường tư nhân lẫn nhà nước. Giữa bối cảnh các hệ thống thông tin càng ngày càng tinh vi và được phổ cập rộng rãi, học viên có nhiều cơ hội để vươn tới những vị trí cao trong ngành.

Một vài vị trí trong lĩnh vực an toàn thông tin có thể kể đến bao gồm:

  • Chuyên viên phân tích và giải quyết rủi ro
  • Chuyên viên phân tích rủi ro IT
  • Quản lý an toàn thông tin
  • Chuyên viên điều tra và phân tích hình sự
  • Chuyên viên kiểm tra và đánh giá hệ thống an toàn thông tin
  • Kỹ sư lắp đặt hệ thống an toàn thông tin

Sau khi hoàn tất chương trình, học viên sẽ học được các bộ kỹ năng sau: 

Tư duy chiến lược và tầm nhìn quốc tế 

  • Có góc nhìn tổng quan, thiết thực và chiến lược về những vấn đề phức tạp trong lĩnh vực an toàn thông tin.

Tư duy phân tích phản biện và giải quyết vấn đề

  • Đánh giá các rủi ro an toàn thông tin trên nhiều nền tảng khác nhau bao gồm Internet, các hệ thống thương mại điện tử WWW, các mạng lưới truyền thông có băng thông cao và các dịch vụ chuyển tiền điện tử.
  • Đảm nhiệm công việc nghiên cứu về an toàn thông tin hoặc các các lĩnh vực về IT, thu thập thông tin cần thiết, tạo nên các giải pháp thực tiễn cho những vấn đề cấp thiết trong xã hội hiện đại. 

Kỹ năng giao tiếp

  • Giao tiếp hiệu quả để truyền đạt những vấn đề liên quan (hoặc không liên quan) đến chuyên môn dưới nhiều phương thức khác nhau (hình ảnh, email, ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói), cũng như có ý thức lựa chọn và điều chỉnh cách giao tiếp với từng đối tượng khác nhau.

Phẩm chất đạo đức

  • Luôn có ý thức cao, thấu hiểu và cân nhắc các quy chuẩn đạo đức nghề khi đưa ra đánh giá, quyết định trong môi trường nghiên cứu lẫn doanh nghiệp. 

Kỹ năng quản lý cá nhân, làm việc nhóm và lãnh đạo

  • Có khả năng làm việc hiệu quả dù là làm việc cá nhân hay làm việc nhóm, cũng như thể hiện tiềm năng lãnh đạo trong một tập thể, tổ chức.

RMIT Việt Nam ứng dụng phương pháp học tập đa hình thức, kết hợp song hành giữa mô hình lớp học, bài giảng trực tiếp và trực tuyến, góp phần tạo nên một trải nghiệm học đa dạng và mang đúng tinh thần của thời đại.

Học phí

Học phí sẽ được thanh toán theo từng học kỳ, dựa trên số môn sinh viên học trong từng học kỳ.

Học phí (16 môn học)

VND                   
USD (tham khảo)
869.760.000 37.297
  1. Tại RMIT Việt Nam, mỗi năm có 3 học kỳ, sinh viên được đăng ký tối đa 4 môn/ học kỳ. Thời gian hoàn thành chương trình sẽ phụ thuộc vào số lượng môn học sinh viên lựa chọn học trong một học kỳ.
  2. Học phí của từng học kỳ được tính theo Việt Nam đồng (VND).
  3. Mọi thanh toán bằng đơn vị tiền tệ khác đều sẽ được quy đổi thành Việt Nam đồng dựa trên tỉ giá trong ngày. Chúng tôi khuyến khích bạn thanh toán bằng việc chuyển khoản. 
  4. Học phí tính theo đô la Mỹ được liệt kê như trên chỉ để tham khảo. Mức phí tính theo đô la Mỹ được áp dụng cho sinh viên quốc tế theo quy định của thông tư số 32/2013/TT_NHNN, mục 4.16b.
  5. Học phí và phí bảo hiểm y tế có thể thay đổi mà không báo trước.

Ưu đãi cho người thân

  • Giảm 5% học phí cho sinh viên có anh chị em ruột, cha mẹ, vợ chồng đã hoặc đang học tại RMIT Việt Nam

Ưu đãi cho cựu sinh viên

  • Giảm 10% học phí cho cựu sinh viên tốt nghiệp Đại học hoặc Thạc sĩ tại RMIT hoặc các Đại học Úc

Ưu đãi của chương trình "Phát triển nguồn nhân lực" 

  • Trong chương trình học phí "Phát triển nguồn nhân lực" của RMIT, học viên mới đăng ký nhập học chương trình Thạc sĩ Trí tuệ Nhân tạo hoặc Thạc sĩ An toàn Thông tin trong năm 2023 sẽ nhận được ưu đãi 15% học phí (và có thể áp dụng đồng thời với chương trình Học bổng).

Sinh viên chỉ được chọn một chương trình ưu đãi học phí duy nhất và không áp dụng đồng thời với chương trình Học bổng (ngoại trừ chương trình học phí “Phát triển nguồn nhân lực” trong năm 2023). Vui lòng tham khảo trang Chương trình học phí ưu đãi để biết thêm danh sách chi tiết lẫn các điều khoản liên quan.

Điều kiện tuyển sinh

Yêu cầu học thuật

Ứng viên cần có:

  • Bằng cử nhân* với điểm trung bình (GPA) tối thiểu là 2.0 (trên thang điểm 4.0) ở một trong các lĩnh vực: máy tính, công nghệ thông tin, phần mềm, điện, điện tử, truyền thông, toán, lý, hoặc tương đương; hoặc
  • Bằng cử nhân* với điểm trung bình (GPA) tối thiểu là 1.5 (trên thang điểm 4.0) ở một trong các lĩnh vực về khoa học/ kỹ thuật/ công nghệ, cùng với tối thiểu 3 năm** kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin/bảo mật thông tin, hoặc tương đương.

*  Bằng cử nhân phải tương đương bằng cử nhân của Úc.  

** Ứng viên cần nộp CV để xét tuyển. 

Yêu cầu tiếng Anh

Hoàn thành chương trình Tiếng Anh cho Chương trình Sau đại học; hoặc đạt một trong những điều kiện dưới đây:

  • IELTS (Học thuật) 6.5+ (không kỹ năng nào dưới 6.0); hoặc
  • TOEFL iBT 79+ (điểm tối thiểu từng kỹ năng: Đọc 13, Nghe 12, Nói 18, Viết 21); hoặc
  • Pearson Test of English (Học thuật) 58+ (không kỹ năng giao tiếp nào dưới 50); hoặc
  • C1 Advanced (còn được gọi là Cambridge English: Advanced (CAE)) hoặc C2 Proficiency (còn được gọi là Cambridge English: Proficiency (CPE)) 176 (không kỹ năng nào dưới 169); hoặc
  • Hoàn tất chương trình Cử nhân hoặc sau đại học tại RMIT trong vòng 05 năm; hoặc
  • Hoàn tất chương trình Cử nhân hoặc sau đại học trong vòng 05 năm tại nước nói tiếng Anh được liệt kê trong danh sách (tiếng Anh).

Thông tin thêm về các kết quả tiếng Anh khác được công nhận, vui lòng xem bảng yêu cầu điều kiện tiếng Anh tương đương (tiếng Anh).

Ghi chú: Kết quả học tập và kết quả thi tiếng Anh được công nhận trong vòng 2 năm kể từ ngày hoàn thành cho đến ngày nhập học tại RMIT, trừ khi có yêu cầu khác.

Nếu bạn đạt được nhiều kết quả tiếng Anh thông qua nhiều hình thức khác nhau, kết quả phù hợp nhất đạt tiêu chuẩn sẽ được dùng để xét tuyển.

Để được tư vấn thêm, vui lòng liên hệ với Phòng Tư vấn Tuyển sinh.

Tiếng Anh cho Chương trình Sau đại học

Nếu bạn chưa đạt đủ điều kiện đầu vào tiếng Anh, chương trình Tiếng Anh cho Chương trình Sau đại học có thể giúp bạn chuẩn bị cho chương trình này.

Quy trình nhập học

1. Chọn chương trình

2. Kiểm tra điều kiện tuyển sinh

3. Chuẩn bị hồ sơ

4. Nộp hồ sơ